Omoiyari – nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật – Erin Niimi Longhurst

Có một câu trong cuốn sách này mà mình rất thích, chiêm nghiệm một thời gian thì càng cảm thấy đúng: “Để quan tâm tới người khác, trước hết ta phải quan tâm tới chính mình. Chăm chút bản thân như một món đồ thủ công được chế tác hoàn hảo bằng thời gian và sự tỉ mỉ.

Mình biết đến tác giả Erin lần đầu tiên qua cuốn Japonisme – Những điều rất Nhật Bản. Đó là một cuốn sách rất xinh xắn, đưa bạn đi qua những văn hoá đẹp của Nhật Bản, mở rộng tầm mắt cho một cô bé mới đặt chân vào công ty có văn hoá Nhật như mình. Đối với mình, càng tìm hiểu, văn hoá của người Nhật Bản càng có nhiều nét đẹp ẩn giấu bên trong, khiêm nhường và thanh tao. Đó là lý do vì sao khi Merry Go Round ra mắt cuốn sách thứ hai của tác giả, mình đã không ngần ngại mà đặt mua ngay.

Những cuốn sách như Omoiyari giống như một tách trà, không thể cảm nhận tròn vẹn vị của nó nếu vội vã đọc lướt qua hết trong một lần. Thú thực thì mình đã đọc xong Omoiyari khá lâu rồi, nhưng đến một ngày mà mình cảm thấy mình đang thể hiện đúng với tinh thần của Omoiyari, mình mới có thể đặt cuốn sách bên cạnh và viết đôi ba lời về những cảm xúc sau khi đọc cuốn sách. Cũng giống như khi thưởng trà, kỳ thực, mình chưa thấy hai tách trà nào có vị giống nhau hoàn toàn. Lần này, mình cầm Omoiyari lên sau khi bản thân đã có nhiều thay đổi trong cuộc đời, góc nhìn của mình cũng có phần khác đi khá nhiều.

“Bởi vì cuộc sống đầy những bấp bênh, nên ta phải ghi dấu trong tim những sự kiện diễn ra trong ngày như thể chẳng có ngày mai. Buổi trà đạo hôm nay là một trải nghiệm chỉ có một lần trong đời, và ta, cùng với các vị khách, phải toàn tâm toàn ý đến buổi gặp này với lòng chân thành.” – Sen no Rikyu, bậc thầy chado vĩ đại.

Mình đã viết một dòng status đâu đó trên instagram sau khi kết thúc mối tình cũ, rằng ta chẳng biết đâu là cuộc hẹn cuối cùng, đâu là lần cuối ta nghe một giọng nói hay cảm nhận một mùi hương đã từng thân quen. Cũng chính từ khi nhận ra rằng chẳng có gì là mãi mãi, mình trân trọng hơn mọi giây phút và mọi kỷ niệm mình có, như thể đó là lần cuối cùng. Chào nhau, như thể đó là lần cuối cùng. Ôm chặt nhau, như thể đó là lần cuối cùng.

Tiếng Nhật có từ Onkochishin – ôn cố tri tân, mang nghĩa là học hỏi từ quá khứ. Một chương của Omoiyari cũng nói đến khái niệm này, khi mà bạn đón nhận quá khứ – cả điều tốt lẫn điều xấu, và tiến về phía trước để tạo ra những khởi đầu mới từ những khuôn mẫu cũ. Giống như phượng hoàng trỗi dậy từ đám tro tàn của chính nó, mỗi chúng ta thay vì chìm đắm trong chiếc gương của quá khứ, có thể chọn đứng lên, mạnh mẽ hơn, ngẩng cao đầu mà đón nhận những điều tươi đẹp của cuộc sống này. Ta học được gì sau mỗi biến cố của cuộc đời? Không phải học rằng sự đau khổ có thể tàn phá con người ta như thế nào, mà là học cách làm sao để đứng dậy mạnh mẽ hơn, và để những lỗi lầm đã qua chắc chắn không lặp lại lần nữa trong tương lai có vô vàn khả năng này.

Một chương nữa mà mình rất thích trong Omoiyari đó là Zakka – vẻ đẹp của những thứ lặt vặt. Bản thân mình đã cố gắng trở nên tối giản, nhưng mình vẫn luôn yêu thích những điều nhỏ bé xung quanh, đó là lý do vì sao nhà mình có rất nhiều đồ đạc dù cho nhiều thứ cũng không thật sự cần thiết lắm. Khổng Tử đã nói rằng: “Mọi thứ đều có vẻ đẹp, nhưng không phải ai cũng nhận thấy.” Hơn cả “những thứ lặt vặt”, Zakka chính là việc ta tìm kiếm niềm vui và sự thoả mãn trong những thứ dường như bình thường hay chẳng đáng chú ý để tìm thấy sự hài lòng và biết ơn trong cuộc sống hằng ngày. Nghe có vẻ khá giống khái niệm wabi-sabi đúng không nào? Chương này nói một chút về những đồ đạc và việc tạo ra không gian trong căn nhà của bạn, đúng là những gì mình đang quan tâm gần đây nếu bạn theo dõi xứ sở màu hồng của Kim Xuân đủ lâu.

Vẫn là một cuốn sách đẹp với nhiều quotes, nhiều bí kíp, có cả công thức nấu ăn và có cả những đoạn sâu lắng, mình để cho Omoiyari chiếm một vị trí dễ lấy trên kệ sách nhà mình, kế bên cuốn Japonisme. Dù mình không còn làm việc trong công ty có những nhà hàng Nhật Bản nữa, nhưng văn hoá Nhật vẫn có một tác động mạnh mẽ tới mình, trở thành một phần của cuộc sống mình lúc nào không hay. Văn hoá khiến cho cuộc sống trở nên có hồn, và văn hoá chính là cuộc sống. Có lẽ cũng vì thế mà bạn bè mình đôi khi gặp lại hay rủ mình đi ăn sushi.

Kim Xuân

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: