Mình khép lại chuyến nghỉ dưỡng 11 ngày, bao gồm Buôn Ma Thuột – Phú Quý – Phan Thiết, bằng một buổi xem kịch khi vừa từ chuyến tàu trở về lại Sài Gòn. Đã lâu lắm rồi mình mới lại đi xem kịch, mà vở kịch lần này vui có, buồn có, làm mình không còn cảm thấy tiếc nuối vì kì nghỉ vừa hết, thứ hai lại tới, lại bắt đầu quay trở lại làm việc.
Vốn dĩ cứ nghĩ rằng mình sẽ không về kịp để đi xem kịch chung với nhóm bạn, nên khi mọi người bàn luận sôi nổi trên nhóm chat, mình không thực sự để tâm tới nội dung vở kịch lắm. Thông điệp vũ trụ làm sao mà gần xuống tàu từ Phan Thiết về Sài Gòn, một chị trong nhóm báo không đi được, thế là mình, không quá mệt sau chuyến đi, vẫn sắp xếp được để đi xem. Bước vào rạp trong tâm thế không biết gì cả, quả là thú vị.
Chúng mình đi coi ở Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (22 Vĩnh Viễn, Quận 10, TP HCM). Ghé qua con đường này cũng đôi ba dịp, nhưng mình chưa hề để ý là góc đường này có một sân khấu nghệ thuật nhỏ xinh mà sức chứa cũng khá là nhiều. Nói nhiều vậy chứ rạp không thực sự lớn lắm, chúng mình ngồi cũng gần cuối mà vẫn thấy rõ từng chi tiết trên sân khấu. Trước rạp có bán nước, bắp rang bơ, và trái cây để mọi người có thể mua mang theo vào trong vì kịch cũng khá dài. Giá vé tụi mình mua là 250k, cho một vở kịch dài 3 tiếng và mọi thứ chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ, theo mình là hoàn toàn xứng đáng.

Kịch lấy bối cảnh về một xóm nghèo, nơi có một gia đình chỉ có hai mẹ con. Người mẹ làm nghề đi hát để kiếm sống, nhưng sân khấu bà hát là những quán nhậu xóm trên xóm dưới, nơi nào cho hát thì bà đến để kiếm tiền nuôi con. Đứa con trai đi làm trên tỉnh, từ ngày đi làm rất ít về thăm bà, nên hai mẹ con có phần xa cách.
Cả một vở kịch dài có rất nhiều nhân vật, mỗi người có một hình tượng và nét tính cách khác nhau, và phải nói rằng mọi người đều diễn rất tròn vai của mình, khiến cho người xem như thực sự đang sống trong cái xóm nhỏ ấy, thấy mọi thứ diễn ra trước mắt mình chân thật đến lạ thường, nhất là những cảnh như cả làng cầm đèn pin đi tìm dì Hai, hay khi cô Cúc dắt dì Hai về nhà. Vở kịch lúc ấy không chỉ còn nằm trên sân khấu, mà như chạm vào từng khán giả phía dưới.

Kịch có nhiều đoạn hài duyên, mình dùng từ duyên vì không hề thấy bị gượng ép, ráng nhét chữ, mà thực sự câu từ dùng rất hay, xen cái xưa với cái hiện đại, và cũng vì diễn rất duyên nữa, nên tiếng cười được đem đến rất đỗi tự nhiên.
Thế nhưng, cũng có những lúc kịch lấy đi nước mắt của mình, thậm chí đến lúc về mình vẫn thấy nhiều bạn khóc sưng cả mắt vì cảm động trước từng câu thoại, trước kịch bản lúc thăng lúc trầm. Lúc nghe về câu chuyện của hai mẹ con họ, tự dưng trong đầu mình cứ quẩn quanh suy nghĩ này: Chúng ta ai cũng muốn những điều khác nhau, và nghĩ rằng những điều đó là điều tốt nhất mình có thể đem lại cho những người mình yêu thương. Nhưng đôi khi chính những sự khác biệt đó, lại vô tình làm tổn thương người còn lại. Cả hai đều yêu thương nhau rất nhiều, chỉ là cách dành tình yêu thương không giống nhau mà thôi.

Con cái lớn lên, kiếm ra đồng tiền thì sẽ suy nghĩ rằng mình muốn đem tiền về cho ba mẹ, muốn ba mẹ không phải làm gì cả, nhất là khi đứa con nghĩ rằng cách ba mẹ kiếm tiền không khiến nó tự hào, cũng như cậu con trai nhân vật chính trong vở kịch. Nhưng với ba mẹ, điều họ mong muốn nhất là con cái mình được sống hạnh phúc, và họ sẵn lòng làm tất cả vì đứa con của mình. Càng lớn lên, càng xa gia đình nhiều, nếu không cố gắng tạo cơ hội để tâm sự với ba mẹ nhiều hơn, không thể tránh khỏi việc những khoảng cách càng ngày càng lớn.
Thứ con cái muốn đôi khi không phải thứ ba mẹ muốn, và ngược lại. Ai cũng muốn điều tốt cho người mình yêu thương, nhưng để đặt mình trong vị trí của người còn lại thì quả thực không hề dễ dàng. Sống có ước mơ là điều tuyệt vời nhất, và đôi khi ta mải mê chạy theo giấc mơ của mình khi mình còn sức trẻ, mà quên đi mất rằng ba mẹ mình cũng có ước mơ của họ.

Những vở kịch về gia đình thật sự rất dễ lấy đi nước mắt người xem, dù là không cùng cảnh ngộ, nhưng vẫn rất cảm thông, vì chuyện khoảng cách giữa ba mẹ và con cái ở đâu mà chẳng có ít nhiều. Thực sự thì khi xem xong kịch, cộng với lần gần nhất về nhà thăm ba mẹ vào dịp nghỉ lễ vừa rồi, mình lại càng thấm thía hơn câu: phải thành công nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ. Thời gian trôi nhanh hơn chúng ta nghĩ, và chẳng ai muốn mình phải hối tiếc vì chưa cố gắng đủ nhiều.
Nếu mà mình không thực hiện được cái tâm nguyện của mình thì mình dùng cuộc đời của mình đi thực hiện tâm nguyện của những người mà mình yêu thương.
Suốt hai năm sau khi ra trường, mình dành thời gian để học thạc sỹ, sau đó là thay đổi công việc theo một hướng mới. Mọi thứ thay đổi chóng mặt nên mãi đến gần đây mình mới thực sự cảm giác là mình đang được khám phá thế giới này. Mình đã lâu không viết gì cả, và thực sự vở kịch này khiến mình muốn viết, cũng như những chuyến đi du lịch gần đây, khiến mình muốn viết thật nhiều. Có quá nhiều trải nghiệm mà mình muốn làm, vì hai năm qua mình đã chẳng thực sự nghỉ ngơi. Mình muốn đi du lịch thật nhiều nơi khi chân còn chưa mỏi, thăm thú những bảo tàng và triển lãm nghệ thuật, đắm mình vào những vở kịch, những buổi hoà nhạc, và vô số điều nữa. Có lẽ, cuộc sống lúc này mới thật sự bắt đầu – khi chọn cảm nhận thế giới quanh mình bằng cả trái tim.
Kim Xuân
2 bình luận cho “Một buổi tối cuối tuần đi xem kịch – vở Mẹ hát rong”
Ở Hà Nội chị nhớ đi coi kịch Sài Gòn quá huhu 😦
ThíchĐã thích bởi 1 người
bay vào SG coi nào chị ơiiii
ThíchĐã thích bởi 1 người