Một cuốn sách về luật hấp dẫn.
Nếu bạn đã từng coi bộ phim tài liệu The Secret thì sẽ không xa lạ với luật hấp dẫn, tác giả cuốn Soup gà cho tâm hồn và những nội dung về luật hấp dẫn trong cuốn sách này. Đối với mình, cuốn người nam châm như một cuốn sổ tay ghi chép lại những gì đã có trong phim The Secret và có thêm những bài tập nho nhỏ để thực hành, ngoài ra thì không có gì đó quá mới.

Đã có rất nhiều người áp dụng luật hấp dẫn thành công, và mình cũng vậy. Tuy nhiên, mình vẫn luôn lý giải luật hấp dẫn ngoài khía cạnh tâm linh thì còn có khía cạnh khoa học ở đây nữa. Đơn giản là bạn phải đặt mục tiêu rõ ràng, không ngừng tin vào mục tiêu, và chính vì thế não bạn luôn tìm cách và để ý những cơ hội cũng như những dấu hiệu xung quanh liên quan đến mục tiêu đó, đơn giản như vậy thôi. Bên cạnh đó, những suy nghĩ tích cực đem đến những hành động tích cực, và khi đó bạn có nhiều động lực để thực hiện hoá những mục tiêu của mình.
Điều mình học được từ luật hấp dẫn đó là những suy nghĩ tiêu cực có hại, và mình loại bỏ chúng càng nhiều thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Tại sao phải tập trunh vào những điều xấu xí, trong khi đó ta có thể tận hưởng những gì tốt đẹp nhất trên thế giới này? Và một điều nữa, đó là ta hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu của mình. Lớn lên, con người ta dễ bị hạn chế những ước mơ bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Mọi thứ khó khăn hơn một chút, nhưng đấy mới là khi cuộc sống bắt đầu. Bạn hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn, đạt được nhiều hơn, đơn giản chỉ là đặt mục tiêu và tin vào nó.

Mình đã từng áp dụng luật hấp dẫn để đổi công việc mới. Mình hình dung mình đang làm việc trong công ty đó rồi, và thế là mình đọc mọi thứ về công ty, học những gì có thể, mỗi ngày đều tin mình đã làm việc ở đó rồi. Chính điều đó đã khiến mình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn rất kỹ, và phong thái hôm đó có phần tự tin hơn. Còn lại, có lẽ là bí mật của vũ trụ.

Bạn có thể không cần tin vào luật hấp dẫn theo khía cạnh tâm linh, nhưng luật hấp dẫn là một điều rất đáng thử, vì với mình nó đã ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống rất nhiều. Đôi khi nhìn lại và thấy những sự trùng hợp, mình lại điều chỉnh những suy nghĩ của mình khác đi. Ví dụ như mình đã vẽ một bức tranh vào đầu năm ngoái, một cặp đôi đang khoác tay nhau và quay lưng về phía khung hình. Mình đã có những mối tình trong năm nay thật, nhưng kết cục của chúng không được viên mãn lắm. Cuối năm nhìn lại, mình mới thấy rằng bức tranh đó phản ánh góc nhìn của mình về tình yêu, một góc nhìn có lẽ mình cần thay đổi. Người ngắm bức tranh là người luôn nhìn vào hạnh phúc của người khác và ao ước nó, luôn đứng ở phía sau hoặc bị bỏ lại phía sau. Mình thực sự khá ngạc nhiên với bức tranh đó, nó khiến mình suy nghĩ khá nhiều. Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn một chút rồi.
Kim Xuân