Khép lại bộ bốn Haruki Murakami của mình trong năm 2021 với cuốn Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và không hề màu hồng xíu nào.
Mình mất một tối hôm qua chỉ để những cảm xúc sau khi đọc đến chương cuối trôi tuột xuống, bởi mình không thể nào ngồi viết ra bất cứ điều gì với mớ suy nghĩ rối bòng bong được. Cuốn tiểu thuyết để lại trong mình thật nhiều dòng hỗn độn mà mình không biết làm sao để sắp xếp chúng được. Mình cũng chẳng muốn sắp xếp chúng làm gì, đành cứ để kệ cho nó lắng xuống và gom chúng lại một lần vậy.

Mình thích nhất cuốn này trong bốn cuốn của Haruki, thứ nhất là vì ở đây không có chàng trai si tình, thứ hai là vì không có quá nhiều miêu tả về cảnh làm tình. Mình chỉ là không thích đọc mà thôi, giống như một nhân vật Chuột trong cuốn Lắng nghe gió hát, truyện của ông ta không có ai chết và không có cảnh làm tình. Đơn giản là vì ai mà chẳng chết, và ai mà chẳng làm tình, thế việc gì phải viết ra nữa. Nhưng thôi, không bàn về mấy thứ nhỏ nhặt này, mình thích cuốn này vì nhân vật chính khác nhiều so với những nhân vật chính khác của Haruki. Không là chàng trai ủ rũ nơi quán cocktail bar si tình một bóng hồng nào cả, một thế giới mới với những toán sư, những nhà nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu mà ta không dám tưởng tượng ra, và rất nhiều điều kỳ bí.

Thoạt đầu nghe về xứ sở diệu kỳ tàn bạo, mình cứ nghĩ tới những doanh trại tập trung, những tên lính, những màn tra tấn xác thịt tàn bạo và man rợ, những thứ mà mình có lẽ sẽ gấp sách lại sau vài trang. Có một đặc điểm lạ kỳ khi mình chọn phim hay chọn tiểu thuyết, đó là mình không thể coi phim trọn vẹn nếu nhân vật trong phim có cuộc đời mà mình không thích. Và may mắn làm sao, thế giới của vị toán sư này có khá nhiều điều thú vị khiến mình muốn tìm tòi và khám phá.
Khi nào thì người ta xem phim và đọc tiểu thuyết? Đối với mình thì đó là khi mình muốn trốn vào một thế giới nào đó, khi mà mình vẫn đang ở đây trong thực tại của mình. Những giấc mơ cũng vậy, đôi khi ta cố tưởng tượng về một ký ức đẹp đẽ nào đó trước khi đi ngủ, và cố gắng ngủ thêm một chút nữa vào buổi sáng để mơ cho nốt giấc mơ. Khi người ta mơ, ta sống trong thế giới mà ta gây dựng nên, đôi khi ta kiểm soát được chúng, nhưng đôi khi không, và khi đó ta thức dậy với những giọt mồ hôi trên trán sau một cơn ác mộng.

Thật khó để viết cảm nhận mà không spoil về cuốn tiểu thuyết này, nhưng kỳ thực đây là một mạch truyện mà bạn cần đọc với một cái đầu trống không, để mạch truyện cuốn bạn đi và có những suy đoán của riêng mình. Có những khúc tác giả bóp ta đến ngạt thở về tình cảnh mà nhân vật gặp phải, rồi cũng có lúc tác giả để ta vào một xứ sở nơi mọi thứ đều hoàn hảo, chỉ để nhận ra sự hoàn hảo luôn đi kèm một cái giá của nó. Thực tế thì tất cả mọi điều trên đời này đều có cái giá của nó.
Gần 700 trang, mất hơn một tuần để đọc, nhưng mình thấy may mắn vì mình để dành cuốn này tới cuối cùng mới đọc. Cuốn đầu tiên của Haruki Muraki mà mình muốn đọc là cuốn này, và đây cũng chính là cuốn mình thích nhất. Những gì viễn tưởng viết trong này, nếu trong thời của Haruki nó chỉ là những khả năng tiên đoán xa vời, thì bây giờ mình tin hoàn toàn có thể xảy ra. Khoa học phát triển đến một nấc nào đó, có thể làm cả nhân loại này lụi tàn. Những điều ta thấy trên tin tức chỉ là bề nổi, còn ẩn sau sau những cây bút và phóng sự là một thế giới ngầm đầy rẫy những khả năng có thể xảy ra.

Có một đoạn mình khá thích về sự bất tử, mà mình lúc đó quá cuốn nên đã không trích dẫn lại. Căn bản là thời gian là tương đối, trước giờ người ta cứ nghĩ bất tử có nghĩa là sống thật lâu, nhưng thực ra bất tử cũng có nghĩa là có thật nhiều trải nghiệm hơn người bình thường trong cùng một khoảng khắc. Ta chia thời gian thật nhỏ và tận dụng hết khoảng thời gian đó để trải nghiệm, đó cũng là bất tử. Đọc những cuốn thế này, khi thấy người ta chuẩn bị cho một cái kết thúc, khi thấy người ta làm gì và nghĩ gì nếu chỉ còn 24h trong thực tại này, điều đó khiến mình không muốn phí thời gian chỉ nhìn lên trần nhà và chẳng làm gì cả, hay chỉ lướt điện thoại không mục đích gì.
Đọc cuốn Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới khiến mình muốn đập bỏ Xứ sở màu hồng của Kim Xuân. Không phải là mình không còn tin vào những điều màu hồng, mà mình không muốn bị mắc kẹt trong đó. Gọi là đập bỏ có vẻ hơi lố, mình muốn xây cho nó một cánh cửa, hoặc một đường ra. Mình muốn nó không phải là tường rào bảo vệ bao quanh như một cái lồng kính khổng lồ, mình muốn nó là nơi người ta đến được và có thể đi được. Thế giới mà chúng ta tạo ra thì luôn luôn hoàn hảo, nhưng chỉ mong ta còn mở rộng mình hơn để sống thật nhiều những trải nghiệm khác nữa, đừng chờ đợi điều gì, đừng chờ đợi giây phút hoàn hảo, đừng đâm đầu vào công việc và để dành những trải nghiệm sống về sau.

Và sau đây là một vài câu trích dẫn lượm lặt đó đây, những câu thực sự hay thì có lẽ mình đã ngấu nghiến không ngừng lại để trích được:
“Có thể những người bình thường thì bình thường, nhưng cuộc sống của họ không gọi là cuộc sống được.”
“Người ta chỉ thất vọng khi trước đó đã từng hy vọng.”
“Đơn giản là trên đời này khá đông kẻ ngu xuẩn.”
“Người ta chưa tìm được sự đồng thuận giữa cái đã qua và cái chưa đến. Do đó người ta không đồng thuận với chính mình.”
“Cái gì mất đi là mất. Có dằn vặt cũng không lấy lại được.”
“Tâm hồn cậu cũng sắp mất rồi. Một khi nó đã biến mất thì cảm giác mất mát và tuyệt vọng cũng mất theo. Chỉ có cuộc sống ở lại. Một cuộc sống bình lặng, yên ả.”
“Thành phố khép kín, như vòng tròn này. Vì thế càng ở lâu trong đó và suy đi nghĩ lại thì người ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều bình thường. Cậu sẽ bắt đầu ngờ vực trí phán đoán của mình. Chính vì mọi thứ quá hài hoà và hoàn hảo.”
“Nếu mất lòng tin thì một lúc nào đó thành phố này sẽ nuốt chửng cậu.”

Và còn rất nhiều câu trích dẫn hay nữa, có lẽ hay hoặc không phụ thuộc vào việc nó ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn như thế nào nữa.
Kim Xuân