Cuốn tiểu thuyết này buồn, nếu bạn đã từng một lần trải qua những câu chuyện tương tự.
“Pretend you’re happy when you’re blue. It isn’t very hard to do.“

Shimamoto-san, cô ấy luôn như vậy, luôn thật vui vẻ và khí chất. Cô xuất hiện đầu tiên, nhưng không phải cái kết cuối cùng. Tình đầu, là thế.
Cuốn tiểu thuyết này là cuốn thứ ba mình đọc của Haruki, trên bìa có một dòng tựa là: “Cuốn tiểu thuyết cảm động sâu sắc nhất của ông.” Vẫn là những chiếc đĩa than, những quán rượu thân thuộc, nhưng lần này ta không chỉ đi qua một đoạn của tuổi trẻ, ta đi cùng câu chuyện từ lúc tình đầu bắt đầu, đến khi tình đầu kết thúc.
Chẳng ai muốn đóng vai phụ trong một câu chuyện tình. Thật nực cười làm sao khi hai người chia tay, chỉ có một kẻ thất tình. Thật nực cười, và cũng chua chát làm sao, khi chỉ yêu thôi, chưa bao giờ là đủ. Con người ta luôn có những bóng hình, níu họ với một quá khứ hay một viễn cảnh nào đó họ chẳng thể chạm vào. Nếu tình yêu của em là chưa đủ, anh hãy cứ mục ruỗng với bóng hình của quá khứ ấy đi. Bởi không phải ai cũng như Yukiko, nuốt lấy những đau thương mà không một ai hiểu được, chờ anh quay về.
Những người phụ nữ đi qua cuộc đời của nhân vật chính, phải, đọc cả một ngày và mình chẳng nhớ nổi tên nam chính vì mải thương xót những người phụ nữ trong đời anh, họ đều đau khổ. Ước gì con người ta đừng mâu thuẫn như thế, hoặc biết đâu là dừng, để không ai phải đau khổ. Izumi, cô gái luôn tươi cười, đã biến thành một người vô cảm, một người được miêu tả là có khuôn mặt doạ trẻ con sợ, tất cả chỉ vì một cậu con trai tệ. Chẳng có gì phản bội hơn thế, cho trái tim của một cô gái mười bảy tuổi. Người đem lại tổn thương, họ thường biết họ sai, nhưng họ chẳng đau khổ nhiều như kẻ bị tổn thương. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng như Izumi, nhưng may mắn thay, ta không như vậy quá lâu. Có một cái hay của việc đọc tiểu thuyết, đó là ta nhìn thấy cả một đời người qua những trang giấy. Những lựa chọn này tiếp nối đến lựa chọn khác. Nếu ta chọn cứ đắm chìm vào đau khổ như Izumi, cả một cuộc đời tươi sáng và kỳ thú gần như đã khép lại. Cô ấy chỉ tồn tại, vì cô ấy phải như thế. Trái tim cô ấy có lẽ đã chết năm mười bảy tuổi rồi. Hãy đọc đoạn trích dưới đây, khi hai người đàn ông nói với nhau về bạn học cũ Izumi:

“Cậu biết đấy, thời gian biến đổi con người ta theo những con đường khác nhau lắm. Tớ không biết đã từng có chuyện gì giữa cậu và cô ấy, nhưng dù là thế nào thì cậu cũng không phải chịu trách nhiệm về con người mà cô ấy trở thành. Ai cũng có những kinh nghiệm tương tự, ở các mức độ khác nhau … Mỗi người có cuộc đời của riêng mình, đời ai chỉ thuộc về người đó. Cậu không thể nào có trách nhiệm được với một người khác.”
Thấy chứ, có đáng để vứt bỏ cả một cuộc đời vì một người mình đã yêu lầm hay không? À mà, mình không thích từ yêu lầm lắm. Mỗi mối tình đều sẽ kết thúc, viên mãn hay u sầu là do ta quyết định. Vẫn là cái kết đó, nhưng mở đầu của câu chuyện tiếp theo là do ta tự chọn lấy. Mỗi người đều có một câu chuyện để kể, và hỡi những Izumi, tin mình đi, chúng ta có một cuộc đời, nơi ta không phải đóng vai phụ trong câu chuyện của một gã con trai.
Và cứ thế thời gian trôi, tua thật nhanh những thước phim của cuộc đời, người ta có tất cả trong tay rồi lại sẵn lòng từ bỏ hết cho một điều mà ngày còn trẻ ta chưa có được: tình đầu.

“Một khi đã đi về phía trước, thì dù có nỗ lực đến mức nào, người ta cũng không thể quay lại đằng sau.” – đó là câu mà Shimamoto-san đã nói. Tất cả các nhân vật nữ, không ai được ông ưu ái gọi thêm chữ “san”. Cảm giác là một người đến sau, bạn mãi mãi không bao giờ sánh bằng với bóng hồng của anh ấy. Bạn không thể nói một lời nào, không thể so sánh, cũng chẳng thể giận dỗi được. Bạn không bao giờ là đủ, đương nhiên rồi, vì bạn nhiều hơn những gì anh ta xứng đáng. Một người cứ chăm chăm nhìn về quá khứ, họ chẳng thể đón nhận lấy thực tại và tương lai.
Ai cũng có trong mình một tình đầu, nhưng không phải ai cũng là tình đầu của một ai đó. Thật thiệt thòi làm sao khi ta không ngừng so sánh và nghĩ tới những gì ta không có được, để rồi day dứt, và rồi khổ đau. Nếu đây là một cuốn tiểu thuyết buồn, thì thực sự đời mình cũng đã buồn như thế, chẳng qua là mình chưa sống đủ lâu mà thôi. Và việc đọc cuốn tiểu thuyết này trong cái tiết trời mưa phùn xám xịt, khiến tâm trạng mình nhẹ nhàng hơn. Ra là thế, mình chỉ đang bước nhầm vào một câu chuyện chẳng có chỗ cho mình. Nữ chính của cuộc đời anh ấy vẫn chưa hết vai, nên câu chuyện này chẳng đi đến đâu hết. Ai sẽ đợi anh? Là một ai đó. Có lẽ không phải là em.
Nhìn từ bìa cuốn sách, ta cũng đoán ra được là nó có đôi ba chỗ hơi gợi, mong rằng bạn đủ tuổi để đọc và tránh xa chúng khỏi tầm tay của phụ huynh. Thế giới của Haruki, có gì đó vẫn cứ rất giống anh ấy, điều mà thật khó có thể lý giải được. Cũng chính là anh ấy, nói rằng những cuốn tiểu thuyết buồn sẽ khiến ta thấy tích cực hơn, và điều đó đúng thật.
Gửi kèm một chiếc playlist nghe cùng cuốn sách này: South of the border, west of the sun
Kim Xuân
6 bình luận cho “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”
Em cứ cảm thấy đoạn kết của quyển này Murakami viết theo một hướng rất khác với những quyền còn lại của ông…
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chị mới đang đọc cuốn thứ tư của ông nên chưa rõ lắm ông hay kết thế nào, nhưng cái kết này có vẻ đẹp, buồn nhưng đẹp
ThíchĐã thích bởi 1 người
Thật tình cờ vì mình cũng đang đọc sách của Mura.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Mình đang đọc cuốn nào thế ạ?
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hiện tại thì chắc là đang đọc dở cuốn Kafka thôi ý. Cậu đọc chưa ?
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cuốn này thì em chưa đọc ạ, giờ em đang đọc cuốn xứ sở diệu kỳ tàn bạo
ThíchĐã thích bởi 1 người