Cậu cũng từng là trẻ con mà, đúng không?
Có một cảm giác ngọt ngào và dễ thương mỗi lần cầm cuốn tiểu thuyết này lên. Một chút gì đó “đầy nhựa sống”, vì có cây cam nào héo hắt mà ra được trái ngọt đâu cơ chứ. Nhưng cây cam trong thế giới khắc nghiệt này chưa hề ra một trái ngọt nào ngoại trừ một bông hoa nhỏ trắng muốt. Nó chỉ là một cái cây con, non nớt và đầy nhựa sống.

Mình đã thấy cuốn sách trong Nhã Nam nhiều lần, thấy mọi người khen nhiều lần, nhưng lần lữa mãi chưa đọc. Chọn sách để đọc đối với mình giống như đũa phép chọn phù thủy. Vào thời khắc bạn cần một cuốn sách nào đó, nó sẽ tìm đường đến với bạn.

Nếu ai đó nói Cây cam ngọt của tôi là một cuốn sách dễ thương, mình tin chắc họ đã có một tuổi thơ rất đẹp. Nhưng nếu khi đọc bạn có thấy đôi lúc tim mình nhói lên một chút, thì không sao đâu, những vết thương của Zezé cũng đã lành lại hết đấy thôi.

Có một câu mình bị ấn tượng khi đi học lớp thiết kế, giảng viên chia sẻ rằng các bạn thiết kế thường dành nhiều thời gian để cảm thụ cái đẹp và không quan tâm tới những thứ khác. Mình thấy đúng ghê, mà không chỉ là thiết kế, mà nghệ thuật nói chung. IU đã có một bài hát vô cùng dễ thương về cậu bé Zezé lấy cảm hứng từ Cây cam ngọt của tôi. Thậm chí có cả một album nhạc giao hưởng mang tên My sweet orange tree mà mình ước gì mình biết sớm hơn để vừa đọc vừa nghe. (Nhưng không sao, lúc này mình đang bật nó để gõ những dòng này.)
Câu chuyện cảm thụ nghệ thuật vừa nãy có thể không đúng với tất cả mọi người làm nghệ thuật, nhưng lúc đó mình bỗng nghĩ là: Thế mình đang cảm thụ những gì mỗi ngày? Zezé đã cảm thụ những điều “tồi tệ” và “xấu xa” trong những chuyến rong chơi trên con hẻm nhỏ, trong những trận đòn như rút bòn hết nhựa sống của cậu bé. Và những điều không hay cứ thế tiếp nối đến với cậu nhóc chưa tròn 6 tuổi. May mắn thay, “Ông Bồ” như một ông tiên xuất hiện trong cuộc đời cậu, chỉ cho cậu cách “trìu mến” và yêu thương. Có lẽ từ đó, cậu bé bắt đầu cảm thụ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống này, một thế giới rất khác, rất đỗi bình yên.

Chúng mình có thể chọn những gì mình muốn cảm thụ mỗi ngày, qua cách ta đọc, ta nhìn, ta xem, ta chơi. Không phân biệt ngành nghề, tuổi tác, giới tính, hay bất cứ thứ quái quỷ nào mọi người có thể nghĩ ra để phân biệt và định kiến. Thời gian là của mình, đôi mắt là của mình, và trí óc cũng là tài sản duy nhất của chính bản thân mình.
Ai cũng từng có một cái cây cho riêng mình, có thể là một cái cây thật to, hoặc chỉ là cái cây trong tưởng tượng. Một ngày nào đó, ta bắt đầu quan tâm tới những điều khác đi, đó cũng là lúc sự nhiệm màu của cái cây biến mất. Nhưng dù cái cây đó có bị ai đó chặt đi, nó vẫn sống, sống trong tim mình. Không có một cây cam, nhưng mình cũng từng có một cây sam-pô-chê ngọt lịm trong khu vườn. Trái ngọt từ cái cây ấy vẫn là thức ngọt ngon nhất mà mình từng biết tới. Cái cây ấy cũng đã bị chặt đi rồi, nhưng không có nghĩa là chúng mình cũng phải tạm biệt với đứa trẻ trong mình.

Lớn lên, trưởng thành, không có nghĩa là phải trở thành một ai đó khác đi ngoại trừ chính bản thân. Lớn lên khác lúc bé chỉ duy nhất một điều, ta có đặc quyền để làm mọi thứ trên cuộc đời này mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ ai. Vậy nên, nếu có đôi lúc mệt mỏi quá, hãy cứ trò chuyện với cái cây của riêng mình. Cái cây sẽ luôn lắng nghe một cách chân thành nhất.
Kim Xuân