Sau 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học, mình tin rằng việc học không quá khó khăn như chúng ta nghĩ đâu. Sau đây là những bí kíp xương máu chắt lọc từ hơn 16 năm đi học của mình, mong rằng những kinh nghiệm này có thể giúp bạn trên hành trình của chính bạn.
Chào bạn, mình là một người rất thích việc học. Mình biết rằng không phải ai cũng thích học bài, nhưng ai cũng cần phải học. Vì sao ư? Vì nếu không học, bạn sẽ mãi dậm chân một chỗ. Và học ở đây bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, việc bạn dành thời gian để học những gì trên hành trình của bạn là tùy thuộc vào chính bạn. Mình chỉ chia sẻ ở đây những cách học mình thấy hiệu quả. Bài viết này sẽ nói một cách chung nhất, không phân biệt độ tuổi hay bất kỳ một đối tượng nào. Mình cũng không phải chuyên gia về việc học, và đây hoàn toàn là những chia sẻ cá nhân.
Nào, cùng bắt đầu nhé!
Bí kíp số 1: Mục tiêu rõ ràng
Một mục tiêu đo lường được sẽ giúp bạn lên kế hoạch được rõ ràng những gì mình cần phải học và bao nhiêu thời gian mình cần bỏ ra để cố gắng. Mục tiêu càng lớn càng khiến bạn có động lực quyết tâm càng cao và càng giải phóng được tất cả những tiềm năng trong bạn. Gạt bỏ hết những niềm tin cũ mà mọi người đã dán nhãn cho bạn, hãy cứ viết ra giấy những mục tiêu điên rồ nhất: 9.0 IELTS, học kỳ full A, đạt 8 con 10 trong năm học này … tất cả những gì bạn mong muốn, hãy viết chúng ra rõ ràng và chi tiết nhất. Sau đó, dán chúng lên nơi bạn hay nhìn thấy nhất: dán trên bàn học, bàn làm việc, màn hình điện thoại, hay là tủ lạnh nhà bạn. Treo chúng lên tường để nhắc bạn mỗi ngày, mỗi giờ về mục tiêu bạn đang hướng tới, tin mình đi, thay vì nói suông rồi thôi, cách này sẽ giúp bạn luôn nhớ tới mục tiêu của mình, từ đó tự tạo động lực cho bản thân cố gắng.

Nên nhớ rằng, mục tiêu mà bạn hướng tới phải khiến bạn cảm thấy hân hoan, hạnh phúc khi mường tượng tới khung cảnh bạn đạt được nó. Chuẩn mực xã hội không phải là thước đo chính xác nhất, mà bạn phải tự hỏi chính bản thân mình rằng vì sao mình muốn đạt được mục tiêu này, nó có xứng đáng với những công sức mình bỏ ra hay không, mình đang học vì mình hay vì ai khác? Nếu bạn cứ chạy theo những gì bạn nghĩ rằng người khác đang kỳ vọng ở bạn, bạn sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực của mình. Hãy lựa chọn mục tiêu một cách khôn ngoan.
Bí kíp số 2: Học mà không có kế hoạch, cũng giống như đi đường mà không nhìn bản đồ. Có thể bạn vẫn tới nơi, nhưng chưa chắc đó là con đường ngắn nhất
Chắc hẳn bạn đã từng có cảm giác như đang bơi giữa một bể kiến thức, không biết bắt đầu từ đâu, nhưng deadline cứ thế tiến lại gần. Quỹ thời gian của bạn có hạn, từng phút, từng giờ đều quý giá. Nếu biết có con đường ngắn hơn để đi tới đích, liệu bạn có chọn đi đường vòng hay không?
Việc học cần đầu tư thời gian và sự kiên trì. Không phải cứ học 10h/ngày là sẽ giỏi, mà bạn cần phân bổ thời gian học hiệu quả, cũng như lên kế hoạch cho những học phần cần học để không lãng phí thời gian cho cùng một vấn đề mà bỏ qua những chương quan trọng khác. Một người ra đề thi không bao giờ ngẫu nhiêu chọn tùy hứng một bài để ra, mà họ dựa trên những nội dung chính nhất của môn học đó, sau đó sáng tạo thêm để kiểm tra cách bạn vận dụng những gì đã học. Thế nên học nhiều chưa chắc đã hiệu quả, bạn cần chắt lọc những gì cốt lõi nhất và phân bổ cho quỹ thời gian bạn có.

Bên cạnh đó, bạn sẽ quên đi gần như những gì mình học sau một thời gian nhát định. Đó là lý do vì sao bạn từng rất hiểu bài, nhưng một thời gian sau, có khi chỉ mới một ngày, đã quên đi gần hết. Chính vì vậy, học phải đi kèm với việc ôn tập lại, nếu không công sức của bạn sẽ coi như bỏ sông bỏ biển. Việc ôn bài thường xuyên nghe có vẻ tốn thời gian, nhưng thực chất nó sẽ nhanh hơn việc bạn để cho bản thân mình quên hết rồi học lại từ đầu. Vậy nên, học một cách khôn ngoan thay vì học chăm chỉ nhé.
Bí kíp số 3: Không gian và âm nhạc
Nằm trên giường có vẻ thoải mái đấy, nhưng ngủ quên lúc nào không hay. Hãy ngồi vào bàn đàng hoàng, sắp xếp góc học gọn gàng, đầy đủ các dụng cụ mình cần, hoặc nếu không có không gian đủ yên tĩnh và thoải mái, hãy tới trường, thư viện, hay một quán cafe phù hợp. Một tiếng tập trung hiệu quả còn hơn nằm cả ngày mà dễ bị phân tâm đúng không nào?

Âm nhạc là yếu tố quan trọng thứ hai. Vừa nghe nhạc vừa chill, vừa học bài, nghe có vẻ hào hứng. Nhưng thực ra khi đó âm nhạc gây mất tập trung nhiều hơn, vì bạn dễ hát theo nhạc, hoặc tâm trạng thay đổi bất chợt tùy theo playlist hôm đó bạn chọn. Để học hiệu quả và kích thích não bộ, hãy nghe nhạc cổ điển (Baroque) hoặc nhạc không lời. Nhịp độ của nhạc Baroque kích thích bạn học với tốc độ nhanh hơn, đồng thời âm nhạc thư giãn giúp não bạn cảm thấy thoải mái hơn. Mới đầu nghe bạn sẽ thấy buồn ngủ hoặc chán, nhưng sau đó bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì mình tập trung vào học lúc nào không hay. Bạn có thể để dành những bài hát yêu thích để nghe khi tắm, chạy bộ hay làm việc nhà, còn lúc học hãy nghe nhạc cổ điển nhé.
Bí kíp số 4: Tắt mạng xã hội và bật chế độ không làm phiền

Não bạn sẽ mất một khoảng thời gian để tăng tốc và tập trung cao độ, cũng giống như chiếc xe ban đầu chạy chậm, sau đó theo quán tính càng ngày càng tăng tốc vậy. Nếu cứ đang trên đà lại phải dừng bất chợt, rồi bắt đầu tăng tốc lại từ đầu, bạn đang làm hai cỗ máy cũng như tốn thời gian của chính mình. Thay vì cứ dừng lại liên tục, hãy loại bỏ hết các chướng ngại ra khỏi đường đua bằng việc tắt hết những thông báo trên điện thoại, đóng cửa phòng và yêu cầu không làm phiền trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng của mình khi không bị cản trở bởi những sự đánh lạc hướng xung quanh đấy.
Bí kíp số 5: Sơ đồ tư duy
Nếu cho bạn một bó lúa và một chén cơm, bạn chọn ăn cơm hay ăn lúa? Tất nhiên là cơm rồi, bởi vì bó lúa chỉ có hạt gạo mới ăn được, còn 80% còn lại người ta đem dùng làm chất đốt hay thức ăn cho gia súc. Học cũng như vậy thôi, với một câu văn, thực ra chỉ có khoảng 20% từ khóa là quan trọng, còn lại là những liên từ giúp cho câu văn được kết nối lại và rõ nghĩa. Bạn chỉ cần đọc một lần để hiểu trọn vẹn, sau đó, bạn học những từ quan trọng là đủ, những thứ không quan trọng, sao phải tốn bộ nhớ quý báu của não bộ để cố gắng lưu trữ làm gì?

Sơ đồ tư duy giúp bạn hệ thống lại sự liên kết giữa những kiến thức bạn học được, đồng thời chỉ thể hiện những từ khóa quan trọng. Việc vẽ sơ đồ tư duy cũng đã khiến bạn nhớ bài được rất nhiều thay vì chép nguyên cả đoạn văn vào vở. Bên cạnh đó, sử dụng màu sắc và hình ảnh để gợi nhớ sẽ giúp tăng hiệu quả lên càng cao hơn. Thoạt đầu bạn sẽ thấy ghi chú bằng sơ đồ tư duy tốn thời gian, nhưng một khi đã quen, bạn chỉ tốn khoảng 15p cho một sơ đồ, và mỗi lần ôn bài bạn mất khoảng vài phút đã có thể xem hết ý. So với việc dành 15p chép bài, rồi mỗi lần đọc lại phải xem hết từng chữ một, sơ đồ tư duy chắc chắn hiệu quả hơn.
Trên đây là 5 bí kíp mà mình xương máu rút ra trên quá trình học của mình. Chúc bạn học hành hiệu quả và đạt được muc tiêu mình mong muốn.
Kim Xuân