Bảo tàng thế giới cà phê – Buôn Ma Thuột – Daklak

Nếu hỏi đến Buôn Ma Thuột đi đâu thì ngoài thác với rừng, Bảo tàng cà phê là một nơi đáng đến.

Chiếc bảo tàng này sinh ra khá “hợp thời”, chẳng phải nhuốm màu cũ kỹ và buồn tẻ, mà mọi thiết kế đều hiện đại và tối giản.

Khuôn viên rộng, xanh mướt mát, trời trong và nắng vàng thì còn gì hợp hơn để chụp ảnh? Tuy nhiên, bạn nên tham quan vào sáng hoặc chiều tà, vì buổi trưa ở Buôn Ma Thuột lúc nào cũng nắng bể đầu, đi về không nhức đầu cũng thành da nâu. Chiều tà ở đây cũng là nơi ra lò kha khá tấm hình với hoàng hôn, chân trời thơ mộng, bạn có thể thử ngắm hoàng hôn trên núi ở đây nhé, vì hầu như Buôn Ma Thuột chỗ nào cũng nhiều cây, khó có thể coi được mặt trời lặn với view đẹp.

Dạo chơi bên ngoài không tốn phí, đi mỏi chân cũng đủ kha khá hình xinh rồi, tuy nhiên nếu đã cất công tới, bạn cũng nên thử vào bên trong và cùng ngắm thời gian chảy qua những tách cà phê thơm nồng. Có hai tầng tham quan, nếu chỉ đi một tầng thì giá vé là 70,000 VND, còn trọn gói là 150,000 VND. Với người lớn trên 60 tuổi, vé hoàn toàn miễn phí, cũng là một điểm mình rất ngưỡng mộ ở đây, bởi tri thức là dành cho tất cả mọi người mà đúng không?

Vốn sinh ra ở Buôn Ma Thuột, cái cày cái cuốc mình chẳng lạ gì. Ngắm nhìn hạt cà phê tròn bóng, mình tự hào rằng du khách tới đây có thể thấy được những điều đẹp đẽ nhất từ vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Hạt cà phê với dân Daklak cũng như hạt gạo. Sách vở mày học, cơm mày ăn, áo mày mặc cũng từ hạt đỏ hạt nâu ấy mà nên.

Kiến trúc tối giản với tone trắng và xám, bạn có được cả một album trông tri thức và này nọ khi tham quan bên trong. Nếu có thời giờ ngắm nghía những công cụ, từ hộp chứa tới máy xay, đọc những thông tin được tìm hiểu kỹ lưỡng bên cạnh, bạn cũng thu thập được kha khá thông tin thú vị và bổ ích.

Phía tầng dưới là những sách, với Đặng Lê Nguyên Vũ, sách là tri thức, và tri thức dành cho tất cả mọi người. Không chỉ tặng sách cho rất nhiều sinh viên đại học, bảo tàng này cũng chứa cả một kho sách lớn được chọn lọc tinh tế. Sách không chỉ để trang trí, mà sách còn đủ hay để có thể đọc.

Bảo tàng cà phê, có cà phê Trung Nguyên cho bạn thưởng thức nữa nhé. Nếu trót nghiện hương vị này rồi, thì khi ghé lại thành phố bạn có thể tìm lại ở các quán cafe của Trung Nguyên. Hương vị ấy gần như nguyên bản nhất, vị mà bạn có thể tìm thấy ở bất kì quán cafe nào ở Buôn Ma Thuột, nhưng lại khó tìm được ở những chuỗi cafe lớn trong Saigon. Và đối với mình, vị ấy, chính là vị cà phê ngon nhất.

Đi thật xa, biết thật nhiều, để rồi say mê với những điều bình dị nhất. Mình chỉ muốn kết lại với một lời cảm ơn tới những ai đã tạo nên Bảo tàng này, để những gì mộc mạc và đáng tự hào nhất của Buôn Ma Thuột, cuối cùng cũng được đem đến cho tất cả mọi người.

Kim Xuân

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: