Có phải là tiền và gánh nặng “kinh nghiệm” đã đè nặng chúng ta?
Tiền, tiền và tiền

Đây có lẽ là lý do chính đáng, khó bàn cãi và hợp tình hợp lý nhất cho câu hỏi: Vì sao người ta làm những công việc “không ai muốn làm”. Bản thân ta khi đó sẽ tự an ủi mình bằng câu: khi nào có đủ tiền rồi tính tiếp, khi nào có đủ tiền rồi sẽ thế này, thế kia. Nhưng chúng ta cũng phải đồng ý một điều rằng tiền không bao giờ là đủ. Tiền lương tăng một xíu, bạn sẽ xài “sang chảnh” hơn một xíu. Số tiền ta tiết kiệm được chẳng bao giờ đủ để trở thành cái phao cứu sinh kéo ta thoát khỏi công việc ta cho là đáng chán kia. Nếu ta làm việc vì tiền, ta mãi mãi là nô lệ của tiền, để cho tiền sai khiến, để cho tiền thao túng lấy ta mãi mãi.
“Kinh nghiệm”
Lý do này lại quá hợp lý cho các bạn sinh viên và người mới ra trường hay mới đi làm và chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi ngoài kia, những công việc ngon lành cành đào đều yêu cầu 2-5 thậm chí là 10 năm kinh nghiệm, thì người nông dân biết phải làm sao?
Chúng ta đánh đổi những tháng trời thực tập không lương hay làm việc với mức trợ cấp hoặc mức lương rất thấp, chạy vặt với những việc “chẳng ai muốn làm” nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm. Điều này không đúng cũng chẳng sai. Nhưng bạn phải xác định rõ ranh giới và mục tiêu của mình. Bạn học được những gì, điều nào đang vượt quá giới hạn, và liệu rằng bạn có đang thực sự tích lũy được kinh nghiệm hay không?

Kinh nghiệm 2 năm, nhưng đến khi đi phỏng vấn chẳng có gì để nói về 2 năm ấy thì coi như số 2 cũng bằng số 0. Mỗi ngày, hãy tự hỏi mình câu hỏi: “Hôm nay mình tích lũy được thêm kinh nghiệm gì?” chứ không phải: “Ai cũng chê khó thì việc này ai làm?” Khó hay dễ là thước đo của bạn thân bạn. Đôi khi nó “khó” chỉ vì nó không quan trọng mà thôi. Việc thực sự “khó” sẽ khiến bạn hào hứng và trăn trở suy nghĩ làm cách nào để giải quyết, chứ không phải việc khiến bạn thấy nản lòng và suy nghĩ làm sao để buông bỏ.
Vì ngại đổi thay
Ta im lặng chấp nhận mỗi ngày làm công việc mình không thích, vì ngại sự thay đổi. Nếu chuyển sang làm một công việc khác, khó quá không biết làm thì sao? Công việc mới rồi nó không hợp với mình thì sao? Thu nhập không cao bằng thì làm sao? Môi trường đang tốt, chắc gì tìm được nơi nào tốt hơn?
Một trong những câu chuyện mà ta được dạy từ bé, đó là ếch ngồi đáy giếng. Mảnh trời tròn vạnh kia cũng đẹp đấy, nhưng so với khoảng trời rộng bao la kia thì chẳng là gì cả đúng không? Đừng sợ gì hết, và cũng đừng ngại đổi thay. Mọi thứ rồi sẽ có cách, còn nếu bạn cứ trốn mãi trong vùng an toàn của bản thân thì bạn đã bỏ lỡ rất nhiều thứ thú vị ở ngoài kia rồi.

Sống an yên, ngày tám tiếng, mọi thứ trông có vẻ ổn định. Tuy nhiên, cái gì đang “trông ổn” thì thực ra nó không ổn lắm đâu. Càng khó khăn, nghĩa là bạn đang càng phát triển. Bạn ổn định nghĩa là bạn đang đi giật lùi. Điều đó không hề tốt chút nào.
Có thể sự thay đổi về công việc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của bạn, theo chiều hướng nào ta tạm thời chưa rõ. Đó là lý do vì sao ta cần cân nhắc kĩ và xem xét các khía cạnh, chứ không phải dặn mình ngồi đó và an phận đi. Cuộc sống của bạn, bạn có quyền lựa chọn chứ!
Vậy làm sao để làm việc mình muốn làm?
Câu trả lời nghe thì dễ như ăn bánh, nhưng miếng bánh này có vẻ hơi khó nhai. Bạn phải xác định rõ mình muốn làm việc gì, và sau đó lên kế hoạch để đào tẩu khỏi “tù giam” hiện tại của bạn và đến với công việc bạn muốn làm. Con đường đào tẩu này ngoằn nghoèo hay thẳng tuột tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Bạn có thể hỏi lời khuyên từ các tiền bối, từ người đáng tin cậy, và không được quên hỏi chính bản thân mình.

Vẫn là câu nói quen thuộc: Nếu bạn không có kế hoạch cho bản thân mình, bạn sẽ trở thành kế hoạch của người khác.
Sau khi có kế hoạch rồi, thì hành động theo kế hoạch đó và vứt nỗi sợ ở nhà. Phần còn lại phụ thuộc vào ý chí của bạn thôi! Hãy làm điều mình muốn, đừng chỉ muốn mà không làm gì.
Kim Xuân
Find me on social media:
- Facebook: https://www.facebook.com/kimxuannnn
- Instagram: https://www.instagram.com/kimxuannnn/
- Fanpage: https://www.facebook.com/xusomauhongcuakimxuan/
- For work: kimxuan0904@gmail.com