Gửi “cậu” của năm nhất

Chào cậu, tớ là sinh viên năm cuối. Có lẽ cũng đã quá muộn để nói ra những điều này, những điều tớ ước tớ biết được khi mình còn 18.

Chuyện ở trọ

Thay đổi lớn nhất khi từ cô bé học cấp 3 thành một sinh viên, với rất nhiều bạn như chúng ta, có lẽ là phải xa nhà. Xa nhà, đi ở trọ, và ta chán ghét 4 bức tường xẻ đôi, xẻ ba. Trước đây, căn phòng nhỏ ở nhà chính là ốc đảo, nơi mình thỏa thích muốn làm gì cũng được, thì giờ đây phải chia sẻ không gian bé tí teo với bạn cùng phòng.

Cậu ơi, mọi thứ không mệt mỏi như cậu nghĩ. Những chuyện lặt vặt cậu để ý, đến một lúc nào đó nhìn lại, cậu sẽ thấy nó chẳng đáng bận tâm. Và mặc kệ hết những lời khuyên nhảm nhỉ rằng: ” Bạn cùng phòng phải nhường nhịn nhau, đừng có chỉ biết sống một mình mình như thế!” Không phải ai cũng giống nhau, có một vài bạn tính cách hướng nội, họ sẽ cần không gian riêng để nạp lại năng lượng sau một ngày dài ở ngoài. Nếu không phải thế, thì hãy cứ nghĩ đơn giản thế này: Bạn cùng phòng cũng có bạn this bạn that, hoặc là thỏa hiệp với nhau rõ ràng, hoặc không hòa hợp được thì hãy chuyển đi thôi.

Cả về căn phòng bạn ở cũng vậy. Bạn sẽ chỉ học tốt, sống tốt nếu môi trường bạn sống mỗi ngày đủ thoải mái và dễ chịu. Có rất rất rất nhiều căn phòng ngoài kia đang giăng biển cho thuê, dành chút thời gian tìm hiểu, không việc gì phải chịu cảnh sống khổ hết. Hãy trang trí và biến góc nhỏ đó thành nơi bạn muốn trở về, và mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Chuyện tiền

Lần đầu làm chủ tài chính, chắc chắn bạn sẽ háo hức muốn mua sắm nhiều thứ mà trước đây không có đủ tiền, hay ba mẹ không cho phép mua. Bạn cứ suy nghĩ đơn giản rằng ăn mì gói, nhịn vài hôm là đủ mua rồi? Bạn tự đủ khôn ngoan để biết đến những vấn đề sức khỏe kéo theo, nhưng điều mình muốn nói đó là bạn sẽ muốn nhiều và nhiều thứ hơn nữa. Ham muốn mua đồ sẽ không dừng lại. Thế nên, hãy học cách kiếm tiền và đừng nằm ngủ ngày qua ngày chờ tới lúc bố mẹ “phát lương”. Khi bạn bỏ thời gian ra lao động kiếm sống, bạn mới thấy quý việc học như thế nào, và mới thực sự hiểu được học hành có thể giúp bạn tiến xa nhanh hơn ra làm sao. Và khi cầm những tờ tiền đầu tiên trên tay, bạn sẽ bắt đầu có suy nghĩ: “Món đồ này tốn bao nhiêu giờ lao động của bạn? Liệu có đáng không?” Kiếm tiền từ sớm sẽ khiến bạn học được bài học đắt giá nhất: ” Quý trọng thời gian và công sức của mình.”

Vậy nên dùng tiền như thế nào? Dùng tiền mua sách về đọc. Dùng tiền đi học những cái mình thích. Đầu tư vào bản thân là thứ đầu tư sinh lời lớn nhất mà bạn có thể tìm thấy được.

Trên trường thầy cô chẳng dạy em điều gì …

90% bạn bè mình đồng ý với điều này, tuy nhiên chúng mình vẫn học thôi. Bài giảng trên trường thực sự rất chán, và bạn nghĩ mình sẽ học được nhiều hơn từ những hoạt đông ngoại khóa bên ngoài? Ban đã đúng, và bạn cũng rất sai.

Kiến thức từng môn học trên trường, biết cách chắt lọc và áp dụng sẽ trở thành cái cần câu cơm cho bạn sau này. Thậm chí cái cần này còn có tác dụng như nam châm, kéo tiền về cho bạn nữa cơ. Tất cả những môn học này, nếu không cần thiết đã được bỏ đi rồi. Bạn được học, thầy cô còn dạy, nghĩa là nó còn có giá trị. Quan trọng là bạn có tìm được giá trị đó hay không thôi.

Lời khuyên của mình cho những môn khó hiểu và chán òm đó là xem xét nó dưới góc độ thực tế. Bạn có thể đi thực tập để nhìn nhận những vấn đề mình đang học với môi trường thực tế ở công ty. Hoặc bạn có thể đọc những cuốn sách dễ hiểu hơn, nhưng nói về cùng đề tài bạn đang học trên trường. Có một thời gian mình học môn Marketing căn bản, và cô cứ lặp đi lặp lại những ví dụ kinh điển mà mình cho là cũ mèm. Sau này mình đọc cuốn sách về Starbuck, tự dưng nghĩ lại nếu mình đọc nó sớm hơn thì bao nhiêu case study của cô đã thú vị hơn rất nhiều rồi.

Chuyện câu lạc bộ ở FTU

Lý do hôm nay mình viết bài viết dài dằng dặc như thế này là do mình vừa lọc lại email và thấy một đống email báo đậu báo rớt đủ cả của các câu lạc bộ hồi mình học năm nhất. Khi ấy thời khóa biểu của mình trống lắm, học chỉ ba buổi một tuần. Mình đã nghĩ đơn giản rằng năm nhất tham gia hoạt động, năm hai lo học, năm ba đi thực tập rồi năm bốn đi làm là xong xuôi. Đúng là cuộc đời của mình đã đi theo dòng chảy đó, và mình thấy nó không hợp lý xíu nào. Tất nhiên, mình không phủ nhận con người của mình ngày hôm nay, với một đống kinh nghiệm lấy được qua bao mồ hôi, nước mắt. Nhưng nếu cho mình chọn lại, mình sẽ không tốn 2 tháng ròng rã để thi vào câu lạc bộ và tốn 3 năm cho các chương trình. Mình sẽ chỉ dành một phần be bé thôi, và thời gian còn lại mình sẽ dành để phát triển bản thân. Mình nhận được rất nhiều từ câu lạc bộ, nhưng những thứ mình đánh mất còn nhiều hơn thế. Tất cả những gì mình muốn lấy lại bây giờ chính là thời gian.

Thời gian mình đánh mất là thời gian chạy theo những thứ không phù hợp với bản thân mình, khi biết cần buông lại không buông bỏ, những điều cần cố gắng thì lại không dành cho nó sự ưu tiên. Mình đã có được những người bạn rất tốt từ việc tham gia câu lạc bộ. Mình cũng có được nhiều kinh nghiệm đáng quý từ những chương trình. Nhưng nếu nói rằng đó là thời gian cho đi không nuối tiếc, thì có lẽ không phải. Mình của bây giờ có thể tuyệt vời hơn, nếu mình đã từng cố gắng vì bản thân mình nhiều hơn.

Nói rằng gửi cậu của năm nhất, nhưng không phải chỉ là năm nhất đại học, mà cũng là năm nhất của cuộc đời. Điều tuyệt diệu của năm nhất là mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ và cho mình lời khuyên. Lời khuyên ấy có cái giá rất đắt với bản thân họ, còn với ta, không phải lúc nào cũng hiểu được. Ta vẫn sẽ đâm đầu vào thử, ta vẫn sẽ tin, sẽ yêu, và cố gắng thật nhiều. Ta mơ hồ, ta chẳng biết mình có đang “đúng” hay không. Đến lúc nào đó thấy mỏi mệt, hãy lắng nghe lời khuyên đúng đắn nhất: Lời khuyên của chính bản thân mình.

Kim Xuân

Find me on social media:

4 bình luận cho “Gửi “cậu” của năm nhất”

  1. Thực sự em rất thích cái cách hành văn của chị. Tuy bây giờ em mới chỉ 16 nhưng em nghĩ rằng những chia sẻ của chị sẽ thực rất có ích cho cuộc sống của em sau này. Em sẽ luôn đọc và ủng hộ các bài viết của chị.

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: