Một ngày chỉ có 24 tiếng, đừng quên sống và đừng quên mơ

Cuộc sống này tẻ nhạt và vô vị lắm. Nó đầy áp lực và đầy những nỗi bực bội không tên. Không lẽ, chúng ta bằng lòng sống một cuộc đời như thế?

Một ngày có 24 tiếng và chúng ta đã dành khoảng 10 -15 tiếng để đi học hoặc đi làm. Sau đó thì thời gian ăn và ngủ cũng chiếm nốt quãng thời gian ít ỏi còn lại. Chúng ta quá mệt mỏi sau cả một ngày dài, và chúng ta lại gối đầu lên những ước mơ mà đi ngủ.

Có một khoảng thời gian mình bị khủng hoảng vì ta chưa biết mình đang cần gì , và mình cảm thấy mình cần phải bận hơn nhiều nữa để biết được cái gì là cái mình thực sự yêu thích. Sau đó, mình lại trở thành nô lệ của thời gian và chẳng thể sắp xếp mọi thứ làm sao cho thật vẹn toàn. Mình tham công tiếc việc, để rồi mình tạo ra đủ thứ bộn bề. Mình chẳng còn dành được xíu thời gian cho bản thân. Mọi thứ cứ thế như đang tuột dốc.

Nhưng nếu không đi qua những ngày bận rộn như thế, mình sẽ chẳng biết quý một buổi tối hiếm hoi mà rảnh rang. Nếu chẳng đi qua những ngày như thế, mình sẽ chẳng biết được sự quan trọng của việc ăn đúng giờ, đúng bữa. Sẽ có những giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta phải trải qua một sự thay đổi và chúng ta phải thích nghi với sự thay đổi ấy. Chúng ta chẳng là những em bé mãi được, chúng ta phải lớn lên thôi.

Có những ngày về nhà sau 8 tiếng ở văn phòng, mới thấy thương bố mẹ đã mấy chục năm trời vất vả. Va vấp như thế mình mới thấy quý từng giây từng phút ở giảng đường. Thầy cô có la chúng ta, cũng là vì muốn tốt cho chúng ta. Còn xã hội ngoài kia, ai la bạn là người ta đang la thật lòng. Bài tập có thể chưa làm xong thì hôm sau làm tiếp, làm sai còn có thể sửa lại, nhưng công việc thì không. Người ta nói trưởng thành khắc nghiệt lắm, điều ấy cũng đúng thật.

Thế nhưng, đừng cố chạy chỉ vì mọi người xung quanh không cho bạn dừng lại. Những người bên cạnh bạn đang chạy như thể họ có thể xô ngã và đạp lên bạn mà chạy tiếp. Bạn sợ rằng nếu dừng lại, sẽ lạc nhịp mất. Nhưng chính giây phút bạn sợ bạn sẽ lạc nhịp ấy là lúc bạn đã lạc nhịp thật rồi. Có đi tiếp, liệu có đến được nơi mình muốn đến?

Mình chỉ biết một điều là mình chẳng biết gì cả. Mình chẳng biết tiếp theo nữa cuộc sống của mình sẽ đi về đâu, có hạnh phúc hay sẽ cứ khó thở như thế này mãi. Khi ở những năm của tuổi 20, có nhiều thứ mình chưa biết lắm. Và có lẽ đến tận những năm 80 tuổi, mình cũng chẳng chắc chắn được điều gì. Thế thì, có ý nghĩa gì cho việc chờ đợi đâu?

Một ngày 24 tiếng, tại sao phải làm những điều mà ta không hề thích?

Một ngày 24 tiếng, tại sao cứ mãi mơ ước về một ước mơ mà chẳng chịu động chân động tay cho ước mơ ấy thành hiện thực? Một ngày 24 tiếng, liệu có bao nhiêu tiếng đồng hồ bản thân thực sự được sống?

Đừng vất giấc mơ đi , mình đã từng nói như thế. Nhưng mình cất giấc mơ kĩ quá, có ngày nó sẽ mục và nát. Chẳng biết ngày mai có đến hay không, thì thôi hãy cứ làm điều mình thích mỗi ngày đi. Gò bó và ép buộc làm gì? Khuôn phép và quy tắc làm gì? Chẳng có một quy tắc nào trên đời này cả. Ta có phải cái máy đâu, tại sao phải cố biến mình thành cái máy? Muốn được đối xử như một con người thì đừng bắt chước một cái máy như thế chứ! Cái máy đâu nào có ước mơ, nhưng bạn thì có. Cái máy không có cảm xúc, nhưng bạn thì có. Cái máy hư thì có thể sửa được, nhưng bạn thì không.

Có một buổi sáng trên đường đi làm, mình đi ngang qua một ngôi trường cấp ba. Lũ trẻ đang chơi đùa trong bộ đồng phục thể dục, trông thật vui vẻ và an yên. Mình thầm nghĩ, điều đau buồn nhất có biết là gì không? – Là khi bạn nhận ra mình đã già và không thể nào quay ngược thời gian lại. Nhưng nếu thời cấp ba mình cứ thế tung tăng và sống hết mình, liệu bây giờ mình có hối tiếc gì không? Nếu bây giờ mình sống hết mình, liệu mình còn có thì giờ mà hối tiếc không?

Hối tiếc và ước mơ, đừng để chúng gặp nhau. Dám theo đuổi ước mơ và rồi thất bại, bạn cũng chẳng hối tiếc. Ngay lúc này đây, dù là giữa trưa nắng hay khuya vắng nửa đêm khuya, vắt tay lên trán mà nhớ lại xem mình luôn muốn một cuộc sống như thế nào, dành lấy nó và hãy sống thật xứng đáng như thế. Hứa nhé?

Kim Xuân

Find me on social media:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: