Buôn Ma Thuột có một mùa rất lạnh. Đương nhiên không lạnh đến độ có tuyết rơi. Và cũng không lạnh đến mức gót chân nứt nẻ như thửa ruộng ngoài đồng. Chỉ là lạnh như khi ở Sài Gòn bật điều hòa thật thấp, và thêm quạt gió thổi tung cả đất bụi mùa đông mà thôi. Cái lạnh đó làm những đứa trẻ xa nhà thèm được về quê mà run rẩy trong áo ấm, chăn bông. Sẽ được mặc áo len ấm áp cùng nhâm nhi tách cà phê nóng với đám bạn lâu rồi chưa gặp. Sẽ được cuộn tròn trong chiếc giường cũ kĩ mà ngủ chẳng cần báo thức. Sẽ đeo đôi tất chân thật ấm, ngồi bên cửa sổ hé chút ánh sáng dịu dàng từ bầu trời lúc nào cũng xám xịt, mà ngồi đọc lại một quyển sách hay.

Tôi lại về nhà sau hai tháng bận rộn với học hành, thi cử, chuyện câu lạc bộ, chuyện tình, chuyện lần đầu đi thực tập. Tất cả những gì tôi háo hức trên chuyến xe dài tám tiếng đồng hồ là nhấm nháp những điều thơ thẩn lãng mạn ấy. Không còn phải lo toan điều gì cả, chẳng phải bực bội chuyện này, chuyện kia. Chỉ quẩn quanh trong yên bình và những điều hạnh phúc be bé. Bố sẽ đón tôi lúc trời tờ mờ sáng, và tôi sẽ thò tay vào túi áo khoác của ông, hít hà lấy sương sớm lành lạnh khi đi qua khúc rừng còn chưa kịp được mặt trời đánh thức dậy. Mẹ sẽ đón tôi với bữa sáng thơm lành trên bàn bếp. Bao nhiêu món ngon, món đắt tiền chẳng thể sánh bằng tô mì ấm áp nấu vội của mẹ.
Tôi cứ ước thời gian đọng lại mãi những ngày được ở nhà thế này thôi. Mẹ sẽ đánh thức tôi lúc mặt trời đã lên cao thật cao rồi, tấn công tôi với ti tỉ câu hỏi như sáng nay ăn gì, trưa nay nấu gì, ăn trái cây gì, có ăn bánh bò không,… khi mà tôi còn chưa kịp tỉnh ngủ chứ nói gì đến chuyện suy nghĩ. Một ngày của tôi chỉ đơn giản là đọc sách bên khung của sổ quen thuộc, thử nấu vài công thức mới, cùng mẹ xem những tập phim truyền hình chiếu dài tới cả mấy tháng trời, rồi lại cuộn tròn ngủ trong chăn. Bố tôi hay nhăn mặt mỗi khi thấy mâm cơm lại có món gì trông lạ. Nhưng rồi nếu tôi hỏi món con nấu có ngon không, ông chưa bao giờ chê cả. Chỉ có bố mẹ, chẳng bao giờ chê con gái dù nồi thịt có cháy đen cả đáy xoong.
Đấy là những chuyện về sau này rồi, khi bố mẹ đã quen với việc cứ một hai tháng tôi lại về nhà nằm ườn trên chiếc xô pha trong phòng khách tới cả gần chục ngày mới chịu đi. Lần đầu tiên xa nhà năm mười tám tuổi, tôi đi hẳn sáu tháng trời mới chịu trở về vào dịp Tết. Về đến nhà, đến cả con chó cũng không nhận ra tôi nữa mà sủa inh ỏi cả xóm làng. Đặt chân vào ngưỡng cửa nhà mình, mà tôi cảm giác ngờ ngờ không chắc đây có phải căn nhà mình lớn lên mười mấy năm qua không. Mọi thứ thật sự rất khác, kể từ cách kê đồ đạc trong nhà, tới căn phòng của tôi cũng không còn quen thuộc nữa. Và tôi dành cả ngày đầu tiên sau sáu tháng trở về nhà để… giận, vì bố mẹ tự ý thay đổi căn phòng của con mà không hỏi ý kiến con. Bây giờ nghĩ lại thấy chuyện ấy thực sự trẻ con hết sức. Nhưng tôi vẫn “trả thù” bố mẹ vụ giận dỗi ấy, bằng việc từ đó tới giờ cứ hơn một tháng, tôi lại về nhà ăn sạch tủ lạnh của họ rồi mới chịu đi.
Thực ra, chuyện cứ đi đi về về giữa hai thành phố làm con người ta cảm giác như đang sống hai cuộc đời trong cùng một thời điểm. Một cuộc sống hào nhoáng nhưng cô độc ở Sài Gòn, và một nơi bình yên để sống thật chậm. Một nơi bận rộn đến chẳng kịp thở, một nơi tĩnh lặng đến độ có thể nghe được nhịp tim của mình.
Chuyện cứ đi đi về về kéo theo cả một nùi rắc rối. Quay lại thành phố sẽ mất mấy đêm liền không ngủ để ôn cho kịp môn học khó nhằn. Sẽ bị khiển trách vì trễ nải công việc, nộp bài chậm deadline. Sẽ có một căn phòng trọ bừa bộn để dọn dẹp sau đống công việc đó nữa, và có chiếc xe bám bụi cần phải đem đi rửa ngay. Nghe tới đây, chắc mọi người sẽ thắc mắc, vậy cứ phải về nhà để làm gì?
Vì tôi cũng như bao người, là kiểu người rất dễ hoài niệm những chuyện xưa cũ. Tôi thấy nhớ khủng khiếp quãng ngày được mẹ nấu cho bữa cơm sáng để ăn qua loa cho kịp chạy đi học. Tôi nhớ những ngày mẹ thức khuya chờ mình đi học thêm về. Để rồi tôi nhận ra, hiện tại mới là điều quan trọng nhất. Tôi vẫn có thể bắt chuyến xe đêm để sáng hôm sau được thức dậy ở nhà cơ mà? Rồi những ngày công sở mấy năm sắp tới, xin nghỉ phép hoài có lẽ khó thăng tiến lắm, nên tôi tranh thủ thời sinh viên còn rảnh rỗi thế này, về nhà nhiều hơn. Về nhà, để kể cho mẹ nghe những câu chuyện hay ho, dù có lẽ bà chỉ lắng nghe cho tôi vui thôi, chứ chẳng thực sự hiểu tôi đang nói gì. Về nhà, để thấy sự lam lũ của bố, để thấy cái lưng đau của mẹ, mà tỉnh ra mình là ai, mình thực sự là người như thế nào. Bởi Sài Gòn dễ nhất là khiến người ta quên đi bản thân mình, sau những lớp vỏ bọc dày chồng chéo bảo vệ con người ta khỏi khổ đau.
Về nhà nhé, hãy về nhà nhiều hơn. Đừng chỉ cứ Tết đến, hè về mới chịu ra bến xe bắt vội một chuyến tàu. Xa nhà quá lâu sẽ tạo thành một thói quen, để rồi mỗi lần trở về sẽ cảm thấy thật lạ lẫm. Sau này, sẽ chẳng có nhiều thời gian trong tay như thế này nữa. Vậy nên khi chẳng bị bó buộc bởi điều gì, hãy về nhà nhiều hơn. Nhà luôn là nơi mở cửa sẵn chờ đón ta về mà!
Kim Xuân
Find me on social media:
- Facebook: https://www.facebook.com/kimxuannnn
- Instagram: https://www.instagram.com/kimxuannnn/
- Fanpage: https://www.facebook.com/xusomauhongcuakimxuan/
- For work: kimxuan0904@gmail.com