Sau đó, thì sao nữa?

Ta cố gắng hết sức mình để ôn thi vào đại học. Ta cày ngày cày đêm để tốt nghiệp được đúng hạn. Ta tìm kiếm cho mình được một công việc tốt. Và sau đó, sau đó thì sao nữa?

Những đứa trẻ thật may mắn khi nó luôn được người lớn chỉ bảo cho chúng rằng chúng sẽ phải làm gì. Có một kịch bản tương đối hoàn hảo dành cho những đứa trẻ chưa tròn 18: học tiểu học, học cấp 2, học cấp 3 rồi đi thi đại học. Bất cứ khi nào chúng chểnh mảng đi đôi chút, phụ huynh sẽ lôi chúng về đúng với con đường tốt nhất dành cho chúng. Tất cả mọi thứ cứ thế trôi đi êm xuôi, đứa trẻ đó cứ thế lớn lên, lớn lên đến một cái mốc nào đó mà con người ta tự cho đó là trưởng thành.

Có những khoảnh khắc ta không biết sẽ làm gì tiếp theo

Nhưng cũng sẽ đến một thời điểm, bản thân ta không xác định được tiếp theo mình sẽ làm gì nữa. Trong vòng 1 năm tới, 3 năm tới, trong cả một đời dài đằng đẵng còn lại, ta sẽ làm gì đây?

Không có một cuộc thi nào ta bắt buộc phải trải qua. Không còn ai bảo ta phải làm gì nữa.

Ta đạt đến cột mốc mà ta có thể tự do làm tất cả mọi thứ mình muốn. Nhưng vì ảnh hưởng của những lời cấm đoán ngày xưa, ta sợ hãi khi phải tự quyết định lấy cuộc đời của mình. Ta không còn ai để đổ lỗi, không còn bất cứ thứ gì để vịn vào. Ta sợ bản thân ta sẽ đưa ra những quyết định sai lầm và ta phải tự mình gánh lấy. Do đó mà ta không biết ta nên làm gì tiếp theo, vì ta sợ.

Đừng chết mãi ở một khoảnh khắc, phía trước còn những điều tuyệt vời hơn

Mỗi khi cảm thấy vô định như thế, điều tốt nhất mà ta nên làm đó là dừng lại, hít một hơi thật sâu để nhắc nhở bản thân rằng mình đang còn sống, và mình biết ơn vì mình đang còn sống.

Có thể ở hiện tại bạn đã có tất cả mọi thứ bạn cho là bạn muốn, nhưng khi hít một hơi thật sâu đó, bạn hãy đặt tay lên tim mà lắng nghe xem có điều gì bạn muốn thực hiện, có nơi nào bạn muốn đi, mà bạn vẫn chần chừ mãi vì không có thời gian hay không? Đừng chết mãi ở một khoảnh khắc vì tin rằng mình chẳng cần nỗ lực để làm gì nữa cả. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, và phía trước còn vô vàn những điều tuyệt vời mà ta còn chưa khám phá hết. Nhưng nếu ta muốn chinh phục những ước mơ và những con đường ấy, ta không thể cứ trốn mãi trong chiếc vỏ bọc an toàn mãi được. Ta muốn đi xa hơn, ta cần mạnh mẽ và có một túi lương thực to lớn hơn rất nhiều. Ta cần phải chuẩn bị cho điều đó.

Còn nhớ những ước mơ hồi bé chứ?

Ngày bé, chúng ta viết ra những ước mơ mà người lớn đánh giá là ngây ngô và hoang tưởng. Hồi bé, ta tin rằng người lớn có thể làm tất cả mọi việc như là siêu nhân. Sau này lớn lên mới biết, có những người lớn – tuy gọi là người lớn – nhưng lại là đứa trẻ mắc kẹt trong một thân xác trưởng thành. Vì họ mắc kẹt nên họ chẳng thích cuộc sống của họ cho lắm. Và họ ghét ước mơ của những đứa trẻ, nên họ cười khẩy và bảo ta thật trẻ con.

Nhưng thật may mắn nếu bạn vẫn giữ, vẫn nhớ hoặc thậm chí chỉ nhớ một phần kí ức về những ước mơ ngày xưa. Nếu một ngày bạn không biết mình phải làm gì tiếp theo, hãy đọc lại những ước mơ của bạn hồi bé. Có thể bạn không thể trở thành siêu nhân, nhưng bạn vẫn có thể giúp đỡ mọi người. Có thể bạn không cưới được hoàng tử, nhưng bạn sẽ cưới được người coi bạn như công chúa. Ước mơ ngày bé viết bằng ngôn ngữ của trẻ thơ. Lớn lên rồi, ta đừng vội từ bỏ chúng, mà hãy phiên dịch chúng theo góc nhìn của đứa bé ngây ngô hồi ấy. Ước mơ dù trông ngốc ngếch đến mấy, cũng đáng trân quý và bạn có nghĩa vụ phải thực hiện nó cho bản thân bạn phiên bản bé thơ.

Điều tuyệt diệu của việc lớn lên

Dù cho có sợ việc được gọi là “người lớn”, dù cho có sợ việc phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình, dù bạn có thấy lớn lên là cuộc sống thêm bộn bề đủ thứ phải lo… thì đừng quên rằng lớn lên cũng đồng nghĩa với việc ta có những đặc quyền của một người lớn.

Ta có thể làm bất cứ thứ gì trên đời này mà ta muốn. Ta có thể đi đến bất cứ nơi nào, và chẳng còn giờ giới nghiêm bắt ta phải về sớm. Ta tự làm ra tiền, ta tự sống theo cách mà ta muốn, trong căn hộ ta trang trí theo phong cách kì dị của mình, thoải mái nhảy nhót tung tăng và ăn vặt thật khuya bên chiếc ti vi bật kênh yêu thích của riêng mình. Mọi thứ đều theo ý mình, nếu bạn cho phép điều đó.

Sau đó, là cuộc sống mà bạn muốn. Sau đó, là những ước mơ khác. Sau đó, là một bắt đầu khác.

Không giống như một bộ phim hết rồi là thôi, cuộc đời bạn là bộ phim chẳng bao giờ có hồi kết cả. Thế nên đừng lo sợ về hai từ “sau đó”, vì yên tâm đi, bản thân bạn biết mình muốn điều gì mà!

Kim Xuân

Find me on social media:

2 bình luận cho “Sau đó, thì sao nữa?”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: