Tết

Sắc mai vàng, màu đào thắm lại nhuộm rực rỡ các góc đường, mặt phố. Đâu đâu cũng nghe tiếng nhạc Xuân thôi thúc những người con ở xa trở về nhà. Giữa cái hân hoan như thế, dòng người bỗng như vội vã hơn. Có một kẻ lặng thinh bên tách cà phê nghi ngút khói, giữa một góc khuất tranh tối tranh sáng mà ngắm nhìn guồng chảy bộn bề. Nhấp lấy một miếng đắng ngắt, hắn ta thẫn thờ buông một câu hỏi nghe chua chát: “Hồn Tết đã mất hay chưa?”

Có lẽ hắn đang nghĩ về cái thời nước mình còn nghèo. Khi ấy người ta quý Tết lắm. Cũng là thịt mỡ, dưa hành nhưng nghe như một điều gì đó quá đỗi xa xỉ. Cũng là chiếc bánh chưng nhưng được nâng niu lấy như người ta đang ôm trong mình một đứa trẻ. Cũng là những miếng mứt xanh xanh, đỏ đỏ bọc trong đường trắng như tuyết, mấy đứa giành nhau chọn lấy những miếng ngọt nhất mà nhâm nhi. Thời ấy nước mình còn nghèo, dân mình còn nghèo. Quanh năm suốt tháng nào có được nếm đủ vị ngọt bùi. Chỉ có Tết, chỉ có những ngày mai đào thắm đỏ. Chỉ có những ngày như thế mâm cơm mới ưu ái hơi khói nghi ngút chan mùi hạnh phúc. Vị ấy khó có mà quên cho được. Tôi gọi vị ấy là “vị Tết”.

 

chuttersnap-336573

 

Vị Tết ta nếm ngày bé là thứ ta dù cho ta dành hết cả cuộc đời này cũng không thể nào tìm lại được. Ta chẳng thể đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại này kéo hồn Tết đi đâu mất. Ta chỉ có thể tự trách mình đã không còn là mình của ngày xưa. Là do sự nghiệt ngã của thời gian. Cũng do sự công bằng của tạo hóa, đưa con người ta phải trải qua hết những vai diễn của cuộc đời. Đứa bé ngày nào xúng xính mấn đỏ, hài nhung nũng nịu quanh ông bà chờ được lì xì Tết, có lẽ bây giờ khóe mắt đã hằn lên những vết chân chim của năm tháng. Đám bé con chơi ô ăn quan cãi nhau òm tỏi cả lên, có lẽ bây giờ đã trở thành người mẹ hiền, dâu thảo. Tháng năm trôi qua nhanh quá đỗi. Người ta gặp lại nhau sau bao lâu, để rồi tậc lưỡi: “Chúng mày thay đổi cả rồi!”. Vốn dĩ ta còn không gặp được chính mình của ngày xưa, thì làm sao tránh được những người thân thuộc quanh mình cũng dần đổi thay?

Tôi không nghĩ vị Tết đã mất. Chỉ là Tết mỗi lúc mỗi khác, Tết ngày càng vẹn tròn hơn mà thôi. Tết nay đem tất cả mọi người về đoàn viên bên mâm cơm ấm áp. Xưa có năm vì lỡ một chuyến tàu mà bố chẳng thể cùng cả nhà đón khoảnh khắc giao thừa được. Còn bây giờ, tàu xe đầy ra cả. Bố cứ hối tôi rằng: “Con gái, mau mau đặt xe về kẻo chẳng còn chuyến!”. Tôi chỉ dạ một tiếng cho ông an lòng thôi, bởi tàu xe giờ đây nào có thiếu gì.

 

andrew-ruiz-270152.jpg

 

Có buồn là buồn cho những người bạn của tôi. Có những đứa Tết này sẽ phải đón Tết một mình ở một nơi thật xa lạ. Vì giấc mơ Mỹ, vì tương lai tốt đẹp hơn chúng tôi rất nhiều, mà phải hy sinh đi một vài cái Tết không đoàn viên. Nếu là những ngày xưa cũ, có lẽ người ta chỉ có thể gửi những nỗi thương nhớ qua những bức thư tay. Nhưng mà giờ đây, như một phép màu, từ việc chỉ nhìn được nét chữ, đến nghe được giọng nói và hơi thở, giờ con người ta có thể nhìn thấy nhau như đang ở gần ngay trước mắt qua một chiếc điện thoại thông minh. Ai mà tưởng tượng được những câu thần chú trong câu chuyện Harry Potter mười năm về trước, giờ đây xuất hiện trong thế giới loài người của chúng ta thế này? . Dù cách xa ta nửa vòng Trái Đất, chắn chắn những người bạn ấy cũng sẽ bớt chạnh lòng khi thời khắc giao thừa giờ chẳng còn cô độc một mình nữa.  Khoảng cách xa xôi đến mấy cũng hóa thành một nhịp đập của con tim.

Tết, cả nhà chờ tôi về cùng gói bánh. Mười mấy năm nay, không, có lẽ lâu hơn thế nữa, mẹ vẫn tự tay gói lấy bánh chưng mà thờ tổ tiên. Chẳng biết mẹ học gói từ bao giờ mà hương vị năm nào cũng thật đậm đà không thể nào quên được. Tôi chỉ biết ngồi đó cắt lá và phụ giúp những việc vặt loanh quanh. Lớn hơn một chút, tôi nghĩ mình phải tự tạo thêm truyền thống cho ngày Tết. Thế là bánh mứt tự tay tôi làm xuất hiện trong mâm bánh kẹo mời khách. Có một niềm tự hào lấp lánh trên mi mắt khi bố mời những bác bạn già: “ Thử miếng mứt đi, con gái út làm đấy!” Dù năm nào cũng còn dư rất nhiều bánh mứt, nhưng từ đó, năm nào mẹ cũng mua sẵn nguyên liệu chờ những mẻ mứt tự tay con gái làm ấy. Tết nhà tôi như thế đấy, vị Tết là vị của người thân.

Sau này, khi có một gia đình nhỏ của riêng mình, hằng năm tôi sẽ vẫn dắt cả nhà về quê ăn Tết. Tôi sẽ dạy con mình cách gói bánh chưng, sẽ cùng con trai dọn dẹp nhà cửa, cùng con gái bày mâm bánh kẹo. Những điều nhỏ bé ấy nghe có vẻ thật cổ hủ, khi giờ mọi thứ có thể mua sẵn bằng tiền. Nhưng với tôi, truyền thống là để tiếp nối và truyền lại. Bởi vì Tết là Tết Cổ Truyền.

Kim Xuân

Find me on social media:

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: