Midnight in Paris (2011)

Cố gắng chịu khó coi khúc đầu một xíu, sau đó là cả một thế giới xinh đẹp cùng những bữa tiệc không bao giờ chán và một chiếc vibes của thời The Great Gasby.

Luôn có một thứ gì đó lãng mạn ở Paris, nơi người ta gọi là City of love. Giống như khi người ta bỏ trốn lên Đà Lạt để sáng tác, Paris là nơi mà nghệ sỹ và những nhà văn tới để tìm cảm hứng sáng tác. Nghe thú vị làm sao, khi một tác giả trong một đêm lang thang giữa Paris lúc nửa đêm, tình cờ lên một chiếc taxi và trở về Paris của những năm 20s, thời của Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Pablo Picasso,… Còn gì truyền cảm hứng hơn việc ngồi uống rượu chung với những tác giả mình yêu thích, cùng họ trò chuyện, sống trong thời họ sống, trải nghiệm những cuộc vui nửa đêm cùng những chai rượu chẳng bao giờ cạn.

Mình thích màu phim, có lẽ mình cũng là tuýp người nostalgia – tuýp người hoài cổ. Màu của những thước phim cũ trông bao giờ cũng sống động hơn, và những gì vintage đều thu hút sự chú ý của mình. Đó là lý do vì sao lúc đọc miêu tả phim, mình đã rất hào hứng, nhưng rồi bỏ ngang sau 5 phút vì tất cả những gì đầu phim là một cuộc hôn nhân chưa nở đã sớm tàn, một người phụ nữ chê bai và than phiền chồng chưa cưới, và một Paris của những năm 2010. Mãi đến lần này khi coi lại từ đầu, kiên nhẫn hơn một chút, dần dần Paris của những năm 20 hiện ra.

Mình đang sống ở năm 2022, có nghĩa là đã tròn 100 năm so với thời những năm 20 mà phim đưa ta tới, nhưng lạ thật, đám trẻ ngày nay vẫn có những người thấy màu phim và những chiếc váy đầm lấp lánh đó thật quyến rũ, thấy những tiểu thuyết thời đó giờ vẫn hợp thời, và không gì kéo ta trốn khỏi thực tại nhanh chóng bằng chìm đắm trong thời vàng son, trong quá khứ.

Hồi còn bé, ấn tượng của mình với môn văn đó là các tác giả đều hoặc đã mất – hoặc rất già nua. Đến khi lớn lên, mình rơi vào thời mà ta có thể theo dõi tác giả cuốn sách ta vừa đọc trên instagram, tag họ vào bài review sách của mình, và đôi khi trò chuyện cùng họ vài câu qua tin nhắn. Có quá nhiều sách được xuất bản hàng tháng, và liệu rằng căn nhà ta có nổ tung vì đống sách cứ chất chồng lên nhau hay không?

Với mình, mình vẫn thích tiểu thuyết cổ điển, bởi những gì sống được 100 năm hẳn có sức cuốn mãnh liệt lắm, nếu không nó đã chết ngay trong chưa đầy năm năm vào thời của nó rồi. Như một lần mình đọc Suối nguồn, mình tự hỏi không biết tác giả có cỗ máy thời gian và nhìn được những toà nhà của tương lai hay không, vì trần nhà bằng kính và những toà nhà chọc trời có lẽ chưa có nhiều ở thời đó. Midnight In Paris cho mình có cảm giác muốn được viết, kích thích những con chữ tuôn ra, và tự hỏi trong giấc mơ tối nay mình có mơ thấy tác giả nổi tiếng nào cùng ngồi chung quầy rượu với mình ở một thời điểm nào đó trong quá khứ hay không.

Midnight In Paris thực sự truyền cảm hứng cho những ai đã, đang, và sẽ trở thành một người viết. Những chia sẻ của Hemingway về chuyện viết, cách mà những tác giả thời đó cũng sống tuổi trẻ hoang dại và ăn chơi hết mình, trước khi già nua và được đóng khung trong một cuốn sách giáo khoa, mọi thứ khiến một người viết muốn bước ra trải nghiệm nhiều hơn, và viết nhiều hơn. Có lẽ, nếu chúng ta in những bức hình của tác giả khi họ còn trẻ, văn học đã không trở nên quá khó nhằn.

Mặc dù có lẽ phim muốn ta biết rằng dù quá khứ có đẹp, nhưng hãy quý trọng thực tại, ta vẫn ước gì có thể một lần đặt chân lên chiếc taxi đi về quá khứ, sống trong những bữa tiệc xa hoa, trang điểm thật đậm và ăn vận như một quý cô, bên cạnh một quý ông lịch lãm. Thật đẹp làm sao cơ chứ, phụ nữ thời đó có vẻ sẽ hơi mất công khi ra đường, nhưng mình thích cách họ luôn lộng lẫy và quý phái, với những món đồ trang sức tinh xảo và mái tóc cầu kỳ. Giờ đây, cuộc sống ngay lúc này, rồi sau đó sẽ lại là thời vàng son của một kẻ hoài cổ nào đó trong tương lai. Đâu ai cấm ta hoài cổ? Có lẽ một giấc mơ lúc nửa đêm ngược dòng về quá khứ, và thức dậy trở lại với thành phố nhộn nhịp, đó là một điều khá thú vị. Mọi thứ xung quanh biết đâu không có thật, tất cả chỉ trong tưởng tượng của bạn. Nếu vậy, bạn hoàn toàn có thể uống rượu cùng Hemingway, thường tranh Picasso, và biết đâu, phải lòng một nhà văn nào đó?

Kim Xuân

2 bình luận cho “Midnight in Paris (2011)”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: