5 bước để hết buồn

Tâm trạng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và cơ thể của bạn hơn bạn nghĩ. Dù bạn có đang buồn chuyện tình cảm, chuyện công việc, gia đình hay bất cứ điều gì, hãy thử 5 bước này và cùng cho phép nỗi buồn qua đi nhé.

Mỗi khi tâm trạng không tốt, não cũng vì thế mà kém tập trung hơn. Cơ thể mỏi mệt, và đôi khi bạn nằm ì trên giường chẳng muốn thức dậy nữa. Những ngày u ám như thế là không tránh khỏi, nhưng bạn hoàn toàn có thể xua tan những đám mây xám xịt ấy đi bằng những điều tích cực hơn trong cuộc sống.

Những ngày qua mình đã dành để buồn. Nếu ai đó hỏi mình rằng vậy bây giờ mình còn buồn không mà mình bảo hoàn toàn không thì đó là lời nói dối. Mọi chuyện đã khá hơn rất nhiều, mình cũng muốn cảm ơn chính bản thân mình vì đã cùng nhau vượt qua. Mình không phải là chuyên gia tâm lý, bài viết này cũng không được kiểm chứng bởi bất kỳ chuyên gia nào. Đơn giản, đây là những chia sẻ từ trái tim tới trái tim.

Bước 1: Đừng nghe nhạc buồn nữa

Khi buồn, đắm chìm trong những lời bài hát thâm sâu cùng thứ nhạc nhẹ nhàng dễ nghiện ấy, bạn càng luẩn quẩn quanh những nỗi buồn và không dứt ra được. Nhạc buồn rất dễ chịu và thoải mái, cảm tưởng như ai đó đang hát lên nỗi lòng của bạn, ai đó đang hiểu cho bạn, ai đó đồng cảm với bạn và bạn không cô đơn một mình. Bạn có thể tập trung cảm xúc của mình vào một buổi chiều và để cho tất cả cảm xúc tuôn ra cùng những bản nhạc sầu thê thảm ấy. Nhưng một ngày mới cần được tưới tắm bởi những nốt nhạc vui vẻ, hoặc tốt nhất là sự yên tĩnh, thay vì những bản nhạc buồn.

Âm nhạc có một sức mạnh ghê gớm, người ta từng làm thí nghiệm cho hai cây leo giống nhau nghe hai loại nhạc khác nhau. Một bên nghe nhạc giao hưởng, cây xanh tốt và hướng về phía loa nhiều hơn. Một bên nghe nhạc rock và những bản nhạc đầy ai oán, trách móc – cây còi cọc và leo về hướng cách xa chiếc loa. Điều đó để cho bạn thấy , âm nhạc bạn nghe ảnh hưởng không chỉ tâm trạng mà còn não bộ và cơ thể của bạn. Bạn có tin được không? Âm nhạc có khả năng chữa lành. Vậy thì, thay vì tiếp tục cho tâm hồn uống thêm thuốc độc, hãy để cho trái tim được chữa lành bởi những thanh âm đầy sự tích cực, tình yêu thương, hoặc ít tử tế nhất – cũng là sự tĩnh lặng thoáng chốc. Bạn sẽ thấy khá hơn.

Bước 2: Viết ra

Chia sẻ với một người bạn cũng tốt. Nếu ai đó sẵn lòng lắng nghe bạn kể về trải nghiệm khiến bạn không vui ấy, và bạn có thể trải hết nỗi lòng của mình ra, thì bạn thật sự may mắn. Tuy nhiên, ngay cả nhân viên chăm sóc khách hàng – người được trả tiền để làm nhiệm vụ lắng nghe sự than phiền của bạn – họ cũng không hạnh phúc lắm khi trở thành chiếc xe rác đón nhận những cảm xúc tiêu cực từ người khác. Đến một lúc nào đó, thâm chí người bạn thân thiết nhất của bạn cũng chẳng còn muốn nghe những câu chuyện buồn của bạn, dù cho những gì bạn trải qua có đau đớn đến thế nào đi chăng nữa. Vậy thì, còn cách nào tốt hơn ngoài việc viết ra và tự thành thật với chính bản thân mình?

Nhật ký buổi tối cũng là một cách, hoặc bạn cũng có thể thử morning pages. Morning pages là phương pháp mà bạn viết ra trong 3 trang giấy những suy nghĩ của mình vào buổi sáng, không quan tâm chính tả hay ngữ pháp, không dừng lại để suy nghĩ, cứ viết và dừng lại khi đủ ba trang. Bạn sẽ ngạc nhiên khi đọc lại chính những điều mình viết. DÙ nguệch ngoạc hay lủng củng, nó cũng khiến bạn nhẹ lòng hơn, vì bạn đang đem những suy nghĩ của mình trải lên những trang giấy một cách chân thành nhất. Không tiêu cực, hoàn toàn có thể tin tưởng được, đây là điều bạn cần tìm tới để đối diện với những nỗi buồn một cách chân thành hơn.

Bước 3: Đối diện với nỗi buồn

Bạn đã từng nghe tới nghệ thuật Kintsugi chưa? Khi một chiếc bát gốm bị bể, thay vì vứt chúng đi, người Nhật gắn những mảnh vỡ lại với nhau bằng một hỗn hợp vàng. Vết thương là nơi ánh sáng đi vào bên trong bạn, và mỗi nỗi buồn đáng trân trọng cũng như chính những niềm vui trong cuộc sống của bạn vậy. Thời gian không giải quyết vấn đề, bạn chỉ đang trốn tránh việc phải đối diện với nỗi buồn đó. Nếu bạn chọn việc lơ nó đi, thay vì tìm cách hiểu và chấp nhận để tìm ra hướng đi mới, nỗi buồn mãi mãi như chiếc dằm nằm sâu bên trong bạn. Âm ỉ đau, dù trông có vẻ đã lành rồi.

Bạn có thể hẹn gặp mặt để nói chuyện, hoặc đem tất cả những kỷ niệm ra sắp xếp lại rồi mạnh mẽ cất chúng đi khỏi tầm mắt. Bạn có thể khóc một trận thật to, khóc như chưa từng được khóc như vậy bao giờ, khóc cho đến khi nào bạn cảm thấy thỏa mãn. Mỗi nỗi đau có một cách tiếp cận khác nhau. Bạn cứ lắng nghe trái tim mình, và làm theo điều nó muốn, đừng kìm nén lại. Đối diện với nỗi buồn, đừng trốn tránh và đừng ngó lơ.

Bước 4: Chăm sóc bản thân mình thật tốt

Hãy đối xử với bản thân một cách nhẹ nhàng nhất. Hãy bồi bổ chính mình bằng những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe. Hãy tân trang lại nhan sắc, ngoại hình và trang phục của bạn. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều nếu cơ thể khỏe mạnh và được chăm sóc tốt. Đừng chờ ai đó làm điều này thay bạn. Chính những nỗi đau dạy cho bạn cách yêu thương chính mình nhiều hơn.

Bạn chẳng muốn bước ra đường nên cho phép khi buồn được xuề xòa một chút. Kết cục là khi muốn bước ra đường, chính sự xuề xòa khiến bạn cảm thấy bứt rứt và còn tệ hơn. Thế nên, dù ngày hôm ấy có khóc nấc cả lên, cũng chịu khó vừa khóc vừa dưỡng da để mai ngủ dậy lại càng xinh đẹp. Dù biết rằng chẳng có ai nhìn kỹ từng chi tiết, nhưng một lớp make up chỉn chu khiến bạn tự tin và thoải mái hơn cả ngày. Và đặc biệt, ăn ngon thì tâm trạng cũng khá lên, cơ thể khỏe mạnh, tâm trí mới minh mẫn.

Bước 5: Tìm điều gì khiến bạn thấy vui

Đó có thể là vẽ tranh, chụp ảnh hay đơn giản là đọc sách. Làm điều gì khiến bạn thấy vui vẻ và tích cực, ví dụ như xem youtube cũng là một việc khá vui vẻ và bổ ích. Nâng cấp bản thân bạn với những kiến thức mới, thói quen tích cực mới, miễn là bạn thấy vui vẻ và hào hứng để làm, thì tốn bao nhiêu tiền hay thời gian cũng không quan trọng. Thay vì nằm một góc để buồn, dồn tâm trí cho những việc bạn luôn dự định – nhưng chưa có thời gian, sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều duy nhất kéo bạn ra khỏi hố sâu của cảm xúc ấy, chính là những cảm xúc tích cực hơn.

Không ai ép bạn phải gượng gạo sự vui vẻ bên ngoài mà tâm trạng trong lòng càng thêm khó chịu. Từng bước nhỏ một, không cần quá đao to búa lớn, miễn là bạn vui, hãy cho nó một cơ hội. Dù bất cứ điều gì xảy ra trước đó làm bạn buồn, mong rằng bạn có thể tự mình vượt qua để tiếp tục mở lòng ra và yêu thế giới quanh mình thật tròn vẹn. Vì đời ngắn lắm, bạn buồn in ít thôi nha!

Kim Xuân

2 bình luận cho “5 bước để hết buồn”

  1. Vì khá nhạy cảm, nên em cũng rất hay buồn.. nhưng cũng chóng quên. Vì xung quanh em vẫn còn nhiều điều khiến tâm trạng mình vui tươi trở lại.
    Bài viết khá đồng cảm với tâm trạng của em lúc này.
    “Điều duy nhất kéo bạn ra khỏi hố sâu của cảm xúc ấy, chính là những cảm xúc tích cực hơn.”

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: