Tuổi nào thì không stress? Bạn có thể trải qua stress từ bé tới khi chết đi, hoặc cũng có thể chưa bao giờ thấy stress. Tất cả chỉ là trạng thái tâm lý. Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy khó khăn một chút, mong rằng bài viết này có thể giúp bạn.
Trước khi đi vào 5 bước để vượt qua stress, mình xin nhắc nhẹ rằng mình không phải chuyên gia tâm lý, và tất cả những thông tin trong bài viết này đều đến từ trải nghiệm cá nhân qua những gì mình học được và chiêm nghiệm được.
Mỗi giai đoạn của cuộc đời bạn có những nguyên do gây stress khác nhau. Học sinh thì có áp lực học hành, thi cử. Lớn rồi đi làm thì có áp lực công việc, sự nghiệp, tài chính, gia đình… Dù nguyên do là gì và dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, thì stress cũng đều là điều tốt, bởi bạn đang tiến bộ hơn từng chút một.

Vậy chúng ta làm sao để thoát khỏi trạng thái hơi khó khăn này?
Bước 1: Chấp nhận.
Lắng nghe cảm xúc của mình đầu tiên. Và chấp nhận.

Bạn cần chấp nhận rằng mình đang không ổn và cần phải làm điều gì đó với cảm xúc của mình lúc này. Tự huyễn bản thân rằng mình ổn rồi sau đó cố gắng gượng gồng sẽ chẳng đi tới đâu. Cơ thể bạn mỏi mệt, não bạn cần nghỉ ngơi, lắng nghe bất cứ điều gì cơ thể bạn đang cố gắng nói với bạn sau những cơn đau đầu hay những lần thấy chếnh choáng giữa bộn bề công việc và áp lực. Chấp nhận không phải để buông bỏ. Chấp nhận là để chữa lành.
Bước 2: Chế độ máy bay
Khi bạn học được cách chấp nhận những cảm xúc của mình, điều tiếp theo đó chính là cho phép bản thân sạc pin một cách trọn vẹn. Giống như một thiết bị sắp cạn kiệt pin, cơ thể bạn sau thời gian làm việc quá sức, cần được nghỉ ngơi để sạc pin thật đúng cách. Nếu bạn đang phát điên với email và tin nhắn, cuộc gọi tới tấp, bạn có thể yêu cầu một khoảng nghỉ để học cách sắp xếp lại mọi thứ. Tùy vào độ nghiêm trọng của công việc và của cảm xúc bạn đang giữ, bạn có thể sắp xếp thời gian vừa đủ để “biến mất” khỏi những gì khiến bạn thấy stress. Tuy nhiên, hãy là con người có trách nhiệm. Báo cho những người liên quan trước khi bạn quyết định biến mất để công việc không bị ảnh hưởng, và lên kế hoạch cho việc quay trở lại để không cảm thấy quá tải.

Một khi đã sắp xếp để bật được chế độ máy bay một lúc, đây là điều tiếp theo bạn phải làm:
Bước 3: Làm gì cũng được
Làm gì cũng được, miễn là nó giúp bạn nạp đầy năng lượng tích cực. Ăn những món ngon, ngủ một giấc thật thoải mái, đọc sách hay đi dạo… Bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ và tái tạo năng lượng, bây giờ là lúc để thực hiện tất cả những điều đó. Chăm chút cho bản thân thật tốt, yêu thương chính mình trước hết, bởi tâm can bạn thế nào, những gì bạn làm ra trông sẽ thế ấy. Rối bời hay buồn bã, vui vẻ hay khó chịu, tất cả sẽ được phản ánh trong kết quả công việc bạn làm. Nhất là khi bạn làm sáng tạo, bạn chẳng lừa được người đọc đâu. Một kẻ giả vờ vui có thể bị bắt quả tang qua chính những câu chữ của hắn. Làm gì cũng được, miễn là thanh pin của bạn được sạc thật đầy.

Bước 4: Nhìn, lên kế hoạch, và buông bỏ
Sau khi não bộ đã quay trở về trạng thái minh mẫn rồi, đừng vội quay trở lại với công việc. Hãy lùi lại một bước, nhìn tất cả những gì bạn đang làm trong một bức tranh tổng thể. Điều gì đã dẫn đến sự quá tải cảm xúc? Điều gì cần phải sửa lại?
Lên kế hoạch dựa trên những gì bạn nghiệm ra rằng bạn đang làm sai. Đừng ngại hỏi ai đó lời khuyên hoặc nhờ cậy sự giúp đỡ. Bạn có thể tự làm được thôi, nhưng nếu bạn tự tìm hiểu và tự làm mọi thứ, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Và học cách buông bỏ, buông bỏ những điều không cần thiết. Những điều vụn vặt ngốn nhiều thời gian, bạn có thể buông bỏ nó bằng việc thuê ai đó giúp bạn làm chúng, hoặc thậm chí cắt giảm luôn những điều thừa thãi ấy ra khỏi to-do list của bạn. “Kaizen”, để đi nhanh hơn.
Bước 5: Bí mật chiếc neo cảm xúc
Hãy nhớ về những lần bạn làm điều gì đó điên rồ. Nếu bạn chưa làm điều gì điên rồ trong cuộc đời này, có lẽ bây giờ là lúc thích hợp nhất. Nhuộm tóc màu hồng, xăm mình, đạp xe đi phượt… những gì điên rồ có thể kể hoài không hết. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là khi bạn làm điều điên rồ, bạn dũng cảm hơn bao giờ hết. Hãy lấy sự tự tin đó để chinh phục bất cứ thứ gì đang ngáng đường bạn. Khó hơn như vầy bạn còn làm được, dăm ba điều dở dang này chỉ là chuyện nhỏ.

Ngoài những chuyện điên rồ, nhật ký những điều biết ơn cũng là cách để bạn lấy lại tinh thần nhanh chóng. Mỗi ngày, hãy ghi lại 3 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn, ví dụ như bạn mua được một món đồ ưng ý, hay được khách hàng khen giọng nói dễ thương chẳng hạn, ghi chúng lại để dành cho những ngày âm u nhất. Chúng là những năng lượng tích cực mà bạn có thể tự gom góp mỗi ngày. Ai cũng sẽ có những ngày chẳng mấy vui vẻ, nhưng đọc lại những điều khiến tim bạn ấm áp, bạn sẽ mau chóng quên những chuyện không vui kia đi thôi.

Và cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất: Đừng đợi đến lúc cảm thấy quá stress mới bắt đầu tìm cách chữa lành. Hãy yêu thương bản thân, mỗi ngày, để mỗi bước chân bạn đi, đều đi cùng hạnh phúc.
Kim Xuân