Nếu bất kì ai biết tôi đủ lâu, đặc biệt là nếu bố mẹ hoặc anh chị tôi có tình cờ đọc được bài viết này, họ sẽ cười vào mặt tôi khi nghĩ đến chuyện tôi có thể sống tối giản.
Trước đây, khi tôi sở hữu một căn phòng của riêng mình khi còn ở cùng với bố mẹ, căn phòng này là lãnh địa của riêng mình tôi, cấm tất cả mọi người và đặc biệt là cháu gái bé nhỏ hay nghịch phá đồ đạc của tôi. Tôi giữ tất cả những tấm thiệp Giáng Sinh từ năm lớp 6, giữ cả cánh hoa hồng khô đầu tiên được tặng vào năm lớp 7, tất cả những chiếc móc chìa khóa kỉ niệm và ti tỉ những món đồ khác. Đó đều là những kỉ niệm đẹp, và tôi cảm thấy nếu đem bỏ chúng đi thì mình sẽ chẳng còn lại gì cả. Căn phòng của tôi cho đến khi tôi 18 tuổi, chứa đủ thứ trên đời.
Nỗi ám ảnh về đồ đạc đầu tiên xảy đến khi tôi phải thu xếp hành lí và chuyển tới Sài Gòn để học Đại học. Không thể mang tất cả đi được, khi ấy tôi đã bỏ lại kha khá quần áo và những thứ được cho là linh tinh khác. Nhưng đó vẫn chưa phải là sự bắt đầu cho lối sống tối giản.
Khi ngồi trong căn phòng trống vắng, sự trống vắng tôi cảm thấy khi ấy thực chất là sự trống vắng về tình yêu thương. Đó là cảm giác mà những ai lần đầu tiên sống xa nhà đều cảm nhận chúng. Thế nhưng, tôi lại nhầm lẫn nó với sự trống vắng về đồ đạc. Thay vì gọi điện thoại về nhà nhiều hơn, gặp bạn bè nhiều hơn, tôi lại lao đầu vào mua đồ nhiều hơn. Đó cũng là rắc rối khi bạn lần đầu tự làm chủ vấn đề chi tiêu của bản thân. Không còn ai cấm đoán khi tôi mua những món đồ không cần thiết, tôi thoải mái tự thỏa mãn đam mê sở hữu đồ đạc của mình.

Lần chuyển nhà đầu tiên ở Sài Gòn, tôi đã phải chuyển cả một chiếc rương đồ về quê, gửi đồ đạc của mình mỗi nơi một ít vì có quá nhiều thứ và đến giờ tôi vẫn còn cảm giác sợ khi phải chuyển nhà. Căn phòng hiện tại của tôi được thiết kế theo lối tối giản, đồ đạc của tôi cũng không còn quá nhiều như trước đây, nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy bực bội mỗi khi dọn dẹp.
Thế nhưng, tôi lại cảm thấy biết ơn vì mình từng sống với nhiều ham muốn như thế. Đó là lí do tôi đặt sách không ngừng trên Tiki mỗi khi giảm giá, và đó cũng là lí do vì sao quyển sách này đến tay tôi, khiến tôi được tiếp thêm sức mạnh để thay đổi cuộc sống của mình.
Cuốn sách này đã đem tôi qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tôi cảm thấy hào hứng vì những lợi ích mà lối sống tối giản đem lại, cao hứng vứt đi rất nhiều đồ đạc và vui vẻ khi căn phòng của mình sạch sẽ khi mình tiếp tục tận hưởng quyển sách.
- Giai đoạn thứ hai tôi bắt đầu hoang mang và cảm thấy mơ hồ. Đọc khoảng lưng chừng giữa cuốn sách, tôi cảm thấy tác gải đúng là một kẻ cuồng vứt đồ rồi. Anh ta hẳn là có một nỗi ám ảnh về đồ đạc và muốn vứt bỏ hết tất cả mọi thứ. Tôi mở tủ quần áo ra mỗi sáng và vẫn chưa thấy quen với số quần áo còn lại sau đợt tổng thanh tẩy đó. Tôi bắt đầu hoài nghi và cảm thấy tội lỗi khi đã “nghe lời” tác giả và dọn dẹp bớt đồ đạc của mình đi.
- Giai đoạn ba, khi đọc xong cuốn sách này, tôi muốn đem quyển sách này đi cho, đi bán, hay bất cứ cách nào loại bỏ cuốn sách khỏi căn phòng này… để bắt đầu lối sống tối giản một cách nghiêm túc hơn.

Quyển sách này rốt cuộc có gì mà khiến tôi trải qua ba giai đoạn rắc rối đến thế? Đọng lại trong đầu tôi sau mấy trăm trang sách chính là hành trình sống tối giản của tác giả và những bài học mà tác giả đem lại. Hành trình ấy như thế nào thì có lẽ tôi sẽ để dành để bạn tự mình đọc lấy. Vốn dĩ không ai sinh ra đã sống tối giản và tác giả cũng vậy thôi. Tác giả cũng từng là kẻ sở hữu rất nhiều đồ đạc không cần thiết, và sự tối giản có được bây giờ là cả một quá trình chứ chẳng phải chỉ qua một đêm. Thế nên, bạn không cần phải lo lắng liệu quyển sách có quá cao siêu cho kẻ bừa bộn như mình. Đến cả kẻ thích bày bừa như tôi còn có thể vứt đi cả một bao đồ đạc, tôi tin bạn cũng sẽ học được gì đó từ cuốn sách.
Có một điều quan trọng tôi phải lưu ý, rằng việc bạn không đồng tình với quan điểm của tác giả trong quá trình đọc là một chuyện vô cùng bình thường. Lối sống của mỗi người là khác nhau, một quyển sách viết về lối sống đương nhiên không thể đúng hoàn toàn cho bạn được. Nhưng cũng đừng vì thế mà ghét bỏ luôn lối sống tối giản hay bỏ dở quyển sách mà không đọc tiếp.

Thứ nhất, việc trái quan điểm với tác giả chính là cơ hội để bạn lắng nghe chính bản thân mình. Bạn không nhất thiết phải sống hoàn toàn tối giản hay bắt chước cuộc đời của ai đó bằng việc vứt hết đồ đạc của mình và sống trong căn phòng trống không. Nếu bạn yêu thích những quyển sách của mình, hãy cứ giữ lấy nó. Bạn thích dưỡng da và trang điểm, cứ giữ lấy bộ mĩ phẩm của mình. Bạn thích thời trang, chẳng việc gì phải làm theo những ví dụ trong sách và mặc những bộ quần áo giống nhau mỗi ngày để làm gì hết.
Cách bạn áp dụng sẽ tùy thuộc vào mức độ quan trọng của những đồ vật bạn đang sở hữu. Với những món đồ bạn thực sự yêu thích, giữ chúng, nhưng nếu bạn muốn mua thêm, hãy cân nhắc và chọn những thứ tốt nhất cho chính mình và loại bỏ thứ đã được thay thế. Ví dụ như bạn thích trang điểm và bạn có 5 cây son. Bạn có thể bỏ bớt những màu son giống nhau nhưng chất lượng kém hơn để nhường chỗ cho một cây son mới chẳng hạn. Với những thứ ít quan trọng hơn, chẳng hạn như những món đồ trang trí hay những chiếc bít tất đã ố màu, một khi bạn loại bỏ chúng đi thì cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn rất nhiều đấy. Tôi cũng từng nghĩ giống bạn khi nghe thấy việc người ta vứt bỏ đồ đạc. Chính những quy tắc, ví dụ và cách phân tích trong quyển sách đã khai sáng tôi và đem lại dũng khí cho tôi bỏ đi nhiều thứ. Đến khi bỏ đi những thứ luôn khiến mình phiền lòng rồi, thì còn lại chỉ toàn là cảm giác nhẹ nhõm, chất lượng cuộc sống cũng tăng lên và bạn cũng chẳng thấy quá phiền nếu không có chúng trong tay.
Thứ hai, cuốn sách này không phải cuốn sách duy nhất trên cuộc đời viết về sự tối giản. Nếu chỉ đọc mình nó, nhất là khi đây là lần đầu tiên tiếp xúc với khái niệm sống tối giản, thì ta sẽ tiếp cận vấn đề một cách phiến diện và có thể còn thấy lối sống này thật hoang đường. Tuy nhiên, việc quyển sách đến với bạn không chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên phải không? Bộ não của bạn đã “cho phép” sự tò mò về lối sống này và bạn cũng khá là muốn tìm hiểu về nó đấy, đúng không nào? Đừng chỉ đọc mỗi cuốn sách này không, hãy xem thêm những hình ảnh về cuộc sống của những người sống tối giản khác trên internet như Pinterest, Instagram hay Youtube và lắng nghe quan điểm của họ xem sao. Matt D’Avella là một Youtuber khá nổi tiếng về lĩnh vực này và dù đôi khi tôi thấy anh ta cũng khá “thần kinh” giống Sasaki Fumio, nhưng tôi lại không thể cưỡng lại việc bấm vào coi video của anh ta để rồi âm thầm học thêm được vài thứ. Suy cho cùng, cuộc sống của bạn do bạn quyết định cơ mà. Hoàn toàn tối giản, “bán tối giản”, tối giản một phần trong cuộc sống hoặc chẳng thèm tối giản làm gì, là cách bạn chọn thôi.

Có một lý thuyết khác khá hay ho mà tôi đọc được trong cuốn sách này, đó là việc coi những cửa hàng quanh bạn là nhà kho của bạn, và cả khu phố này là phòng khách, thư viện, và cả nhà ăn của bạn. Tôi cũng từng có thói quen tích trữ đồ ăn. Thói quen này tôi học từ mẹ của mình, vì mẹ hay mua đồ với số lượng lớn để phòng khi hết không kịp đi mua. Nghe thì có vẻ hợp lí, nhưng nhà tôi cách chợ chưa tới 1 cây số và mẹ tôi chỉ cần đạp xe 3 phút đã tới cổng chợ rồi. Chợ khu nhà tôi suốt mấy chục năm qua chỉ thấy nghỉ mỗi hai ngày Tết, còn lại quanh năm suốt tháng luôn dễ dàng mua đồ như trở bàn tay. Tất nhiên việc so sánh với mẹ cũng hơi phiến diện, vì mẹ tôi còn phải chăm sóc cả gia đình đông người, nên việc mua đồ cũng phải khác. Nhưng còn với tôi, tôi căn bản chỉ phải mua sắm cho nhu cầu của bản thân mình. Thế nhưng, mỗi lần đi siêu thị, tôi thường để ý những mặt hàng giảm giá và kết cục là mua nhiều hơn gấp hai, ba lần số lượng cần thiết. Căn phòng diện tích bé, còn chia sẻ chung với bạn cùng phòng nữa, tự dưng biến thành kho chất đồ. Khi ấy tôi lại có cảm giác bực bội về số đồ mình mua và cố gắng thủ tiêu chúng thật nhanh, bằng cách cố ăn nhiều cho mau hết, để rồi cân nặng vụt lên không kiểm soát. Giờ đây, khi được khai sáng bởi một điều xưa nay chẳng hề thay đổi, đó là ta luôn dễ dàng mua đồ chỉ bằng việc bước ra ngoài vài bước, tôi đã giảm được cơn mua đồ không kiểm soát của mình. Đừng biến căn phòng hay căn nhà mình thành cái kho hàng của tiệm tạp hóa, hãy chỉ mua vừa đủ dùng thôi, thay vì dự trữ để dành dùng sau. Cả việc tụ tập ăn uống cũng vậy. Nhiều khi mình nghĩ có thêm bát đũa hay ly để dành bạn bè đến chơi có thể nấu nướng ăn uống cùng nhau sẽ rất vui. Tuy nhiên, bạn bè đến nhà chơi thì họa hoằn lắm mới có một lần, mà bày biện nấu nướng rồi dọn dẹp rửa bát cũng tự dưng từ rất vui thành mất vui. Thay vào đó, ta có thể quý trọng thời gian ở bên cạnh nhau hơn, bằng việc hẹn nhau ở những quán ăn hay quán cafe ngoài phố. Thay vì hì hục đi chợ, lặt rau, ta ngồi nói chuyện phiếm với nhau trong lúc phục vụ chuẩn bị đồ ăn thức uống đem sẵn đến cho bạn. Thay vì lo dọn dẹp, rửa chén rồi ngồi thở phì phò vì mệt, ta cứ ung dung nghĩ xem tiếp theo có nên đi dạo ở đâu đó không, hay về nhà nhâm nhi tách trà cùng nhau cũng gọi là đã ghé thăm nhà bạn. Thực ra việc quan tâm quá nhiều đến việc mọi người sẽ nghĩ gì về bạn thì cũng chỉ làm khổ bạn mà thôi. Nguồn gốc của việc có quá nhiều đồ đạc cũng từ đó mà ra. Và nếu như người bạn của bạn có nghĩ rằng bạn thật keo kiệt khi chẳng thể tự tay nấu mời họ một bữa cơm, thì có lẽ đó không phải mối quan hệ cần thiết để duy trì. Nếu họ thực sự là bạn tốt của bạn, thì chẳng quan trọng là hai người đi đâu, điều quan trọng nhất là dành thời gian gặp nhau và vui vẻ bên nhau, chỉ thế là đủ.

Khi đọc quyển sách này xong, mọi thứ với tôi trở nên thật nhẹ nhàng. Tôi không còn thấy lo lắng bởi những “mục tiêu” mà mọi người hay tự đặt ra cho tôi: sau này phải mua được nhà, mua được xe ô tô, mua tủ lạnh xinh, máy giặt êm, quần áo, giày dép, mĩ phẩm xài xả láng. Không phải mọi thứ ấy đều cần thiết, và việc có tất cả những thứ ấy chưa chắc đã khiến bạn hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta cứ tiết kiệm lại và chẳng cần cố gắng nữa làm gì. Không cần đồ mà? Việc gì phải làm việc cho lắm? Ơ hay, không sở hữu quá nhiều đồ đạc vì sau này có chết cũng không mang theo được, nhưng sau này khi già cả lại có cái đầu rỗng tuếch chẳng có chút trải nghiệm nào thì thật đáng tiếc. Ta lại càng cố gắng nhiều hơn nữa để có một cuộc sống chất lượng hơn. Ta cố gắng để có thể học được thật nhiều thứ hay ho trên đời này. Ta cố gắng để có thể đi thật nhiều nơi và trải nghiệm thật nhiều thứ. Không sở hữu quá nhiều đồ, ta có thể đi bất cứ đâu và sống ở bất kì nơi nào. Ta chẳng còn phải bận tâm đồ đạc của mình sẽ ra sao nếu ta chán thành phố và muốn đi lên núi ở một vài tháng. Ta chẳng còn mối lo nào hết. Ta tự do.
Kim Xuân
Find me on social media:
- Facebook: https://www.facebook.com/kimxuannnn
- Instagram: https://www.instagram.com/kimxuannnn/
- Fanpage: https://www.facebook.com/xusomauhongcuakimxuan/
- For work: kimxuan0904@gmail.com
3 bình luận cho “Lối sống tối giản của người Nhật – Sasaki Fumio”
[…] tiên phải kể đến cuốn Lối sống tối giản của người Nhật mà mình đã đọc được một nửa vào trước Tết, hào hứng vứt đi một đống […]
ThíchThích
[…] nhiên, ta hoàn toàn có thể thay đổi dần điều này bằng việc áp dụng lối sống tối giản vào một số mặt của cuộc sống. Việc này sẽ tiết kiệm cho chúng ta một […]
ThíchThích
[…] mình đã nói nhiều lần, lối sống tối giản giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản tiền lớn mà ta đã phung phí cho […]
ThíchThích