Bạn sẽ không nhận ra rằng mình đang đi loanh quanh trong một cái ma trận, cho đến khi bạn tìm ra mục tiêu của mình và thực sự muốn tìm cách để đạt được nó. Khi đó, mọi thứ tự nhiên sẽ có cách.
Có những chuyến đi để ta hiểu mình hơn
Điều mình thích ở những chuyến đi là nó khiến cho ta buộc phải nghĩ về một điều gì đó trong khi tắt trạng thái hoạt động và không nói chuyện với ai. Những ngọn đồi trùng điệp nối dài và từng đoạn đèo quanh co khiến việc bấm điện thoại chỉ khiến mọi chuyện tệ đi, và ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc ngồi yên, ngắm cảnh vật lướt qua trên những con đường, nghĩ về những điều đã qua cũng như những dự định sắp tới. Suốt chuyến đi Đà Lạt vừa rồi, mình có cơ hội để chỉ nghĩ về con đường sự nghiệp sắp tới, khi mà hành trình tìm xem mình thích gì, muốn gì, sắp đi đến deadline mình đặt ra. Mình học MBA khi mình chưa biết mình đang muốn gì, và mình đã tự đặt ra một chiếc deadline treo lơ lửng trên đầu đó là phải tìm cho ra nó khi hoàn thành chương trình học.

Mình biết có nhiều người đến khi đã về hưu rồi vẫn chẳng biết họ muốn làm gì, họ cứ chầm chậm để từng ngày trôi qua và chờ tới ngày nhận lương, chấp nhận điều đó. Nhiều người thử nhiều hướng đi, cứ ngỡ đã tìm thấy con đường phù hợp nhưng rồi lại nhận ra nó không phải cái mình muốn. Có lẽ mình khá quen thuộc với điều này, khi mình từng từ bỏ một công việc mà mình từng nghĩ rằng mình rất thích nó, dành cả hai năm để suy nghĩ về nó nhưng không đủ mạnh mẽ để thử, sau đó nhận ra rằng nó không phải cái mình muốn. Nó giống như việc bạn nhìn thấy một quán ăn nào đó trên mạng có hình rất là ngon mắt, bạn cứ nghĩ mãi về nó nhưng chần chừ không thử, mãi cho đến một hôm hạ quyết tâm đi ăn và phát hiện ra nó không phải cái mình kỳ vọng vậy. Thà rằng bạn thử ngay, bạn sẽ không thất vọng nhiều như thế. Và nếu bạn thử ngay, bạn đã không tốn một quãng thời gian dài để suy nghĩ về nó, mường tượng và khiến cho kỳ vọng của mình cao hơn thực tế. Hy vọng nhiều thì thất vọng nhiều, mọi thứ vốn như vậy.
Đương nhiên, sự nghiệp không đơn giản như là thử một món ăn lạ. Đối với nhiều người, đó là bài toán cơm áo gạo tiền, gánh nặng tài chính, danh lợi, địa vị, không phải cứ muốn là thử ngay. Khi ta còn trẻ, ta may mắn hơn vì ta có cơ hội để thử và còn sức để đứng lên nếu như có thất bại. Không có khoảng thời gian nào hoàn hảo hơn là ngay lúc này, để dám thử và để dám trải nghiệm, dù kết quả thế nào ta chưa biết chắn chắn.
Đừng chỉ vài lời ngông cuồng rồi lại thôi
Những gì mình học được có lẽ là lời nói ra thì dễ, nhưng để chứng minh được thực lực của mình thì cần cả một quá trình, không phải chỉ nói suông vài ba lời rồi thôi. Cơ hội xung quanh có rất nhiều, ai cũng bảo rằng hãy chớp lấy những cơ hội khi có thể. Nhưng điều quan trọng nhất, theo mình, chìa khoá của thành công, đó là có một sự chuẩn bị kỹ càng. Có một cuốn sách mà hồi bé mình đọc đi đọc lại rất nhiều lần, đó là cuốn Bí mật của may mắn. Nghĩ lại thì một đứa bé mới biết đọc chẳng bao lâu mà đọc cuốn sách ấy thì không biết hiểu được bao nhiêu, nhưng với mình, vì đọc đi đọc lại nhiều lần nên có những thứ tới giờ mình vẫn nhớ, dù rằng đã lâu lắm rồi mình không sở hữu cuốn sách đó nữa. Khi bé, đó là câu chuyện về xứ sở của những chàng bạch mã hoàng tử và hành trình phiêu lưu, nhưng ẩn sâu trong nó là bài học mà lúc này mình cần nhất: đó là biết cách chuẩn bị những điều kiện cần thiết để “may mắn” đến với mình.
Chị sếp cũ của mình đã nói với mình rằng, nếu như mình không thử thì cũng coi như mình đã nói không với một cơ hội. Trong câu chuyện bí mật của may mắn, giữa vô vàn kỵ sỹ ngày hôm đó, chỉ có hai người chấp nhận thử thách, họ đã dũng cảm hơn rất nhiều người rồi. Việc mình chấp nhận một thử thách, vốn dĩ đó là bước khó khăn nhất. Nhưng một khi ta biết mình muốn đi đâu, mọi thứ tự dưng nhẹ đi hẳn và cảm giác hồi hộp, có chút phấn khích, biết tim mình đập và tay mình hơi run, đó mới là thứ nhắc chúng ta rằng mình đang còn sống.

Chúng ta sợ là phản ứng rất đỗi bình thường. Nỗi sợ tốt, vì nó báo cho chúng ta biết rằng đó có thể là nguy hiểm. Nhưng vượt qua nỗi sợ đó, thứ ta nhận được còn xứng đáng hơn gấp nhiều lần. Dù kết quả có thế nào thì ít nhất mình đã cố gắng, đó là thứ cứu ta khỏi những năm tháng dằn vặt về sau và những câu giá như. Thế nhưng nếu biết sợ mà chỉ trấn an mình rồi đâm đầu vào con đường mình không chắc chắn, đó có vẻ không phải là lựa chọn khôn ngoan lắm. Thành công là một quá trình, chứ không phải chỉ một câu nói. Muốn có được kết quả thì phải nỗ lực, muốn chớp lấy cơ hội thì phải chuẩn bị thật kỹ càng để chắc chắn rằng mình đủ sức để không chỉ nắm bắt, mà là phát triển cơ hội đó.
Hai chàng kỵ sỹ trắng và đen, họ tiếp cận mục tiêu của họ theo hai cách khác nhau, cùng đi tìm kiếm một thứ mà họ được trao cho cơ hội, để rồi nhận ra cơ hội luôn luôn ở đó, những hạt giống may mắn luôn rơi xuống ở khắp mọi nơi trên vương quốc, nhưng chỉ nảy mầm trên mảnh đất có chuẩn bị đầy đủ những điều kiện lý tưởng mà chàng kỵ sỹ trắng đã chuẩn bị sau khi học hỏi từ rất nhiều thần dân mà anh ta gặp trong khu rừng. Nhớ về câu chuyện này khiến cho mình có một cái nhìn rõ ràng hơn về những gì mình cần phải làm sắp tới, khi mình muốn thử một con đường mà tới thời điểm này mình cho là phù hợp, và lần này khác hơn so với lần trước, chín chắn hơn, bớt ngông cuồng hơn, có trách nhiệm hơn với những gì mình đã nói ra và chuẩn bị mọi điều kiện để mình thật sự sẵn sàng.
Bước ra khỏi vùng an toàn, hay là lại trì hoãn?
Không có thời điểm nào là hoàn hảo, và không có lúc nào là tốt hơn chính lúc này. Đó là những câu nói để ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và thử những điều mới. Đứng trước những cơ hội, trong đầu ta có những tiếng nói vang lên, nửa muốn liều mình, nửa lại muốn trì hoãn lại một chút. Không ai muốn lặp lại những sai lầm cũ của bản thân, và kỳ thực mình đã từng mắc sai lầm khi mình trì hoãn quá lâu, để rồi bước một cú nhảy quá nhanh mà chưa có sự chuẩn bị. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng trước đây khi mình nghĩ tới việc theo đuổi career path mà mình mong muốn, mình đã trì hoãn quá lâu và trong thời gian đó, mình suy nghĩ quá nhiều nhưng lại chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho những quyết định của mình. Không ai có thể giúp bạn nếu bạn chưa biết rõ cái mà mình muốn, và chính vì thế nên mình đã tốn rất nhiều thời gian cho những ngày tháng lặp đi lặp lại.
Bây giờ, mình nhận ra việc bước ra khỏi vùng an toàn và chuẩn bị cho mục tiêu của mình hoàn toàn có thể đi cùng lúc với nhau, không phải chờ cái nào tới trước và cái nào tới sau cả. Cứ bước từng bước mỗi ngày cho đến khi ta tới được nơi mà mình muốn đến, và không ngừng chuẩn bị những gì mình cần trên quãng đường mình đi. Cả hai chàng kỵ sỹ đều xuất hành cùng một lúc, không có ai ở nhà đọc sách rồi mới tiến vào khu rừng cả. Thế nhưng, chàng kỵ sỹ trắng có được cây cỏ bốn lá may mắn nhờ không ngừng hỏi trên đường anh đi và thực sự chuẩn bị cho cơ hội ngay khi anh ta có thêm một manh mối nào đó. Cả hai người đều có những thông tin như nhau, nhưng cách họ phản ứng đem lại hai kết quả trái ngược, hay nói cách khác thì hoàn cảnh cộng với phản ứng ra kết quả.

Thực ra thì trước khi viết những dòng này mình đã suy nghĩ vòng vèo quanh co đến chuyện hay lại chờ một thời điểm thích hợp, an phận học thêm một thời gian, nhưng giờ thì mình lại nghĩ rằng mình nên chọn cả hai. Thử cơ hội trước mắt, học, thử tiếp lần nữa. Không cho mình lựa chọn sự trì hoãn, nhưng cũng không vội vàng làm chuyện gì ngu ngốc hay chưa chắc chắn để rồi phải hối hận, đó là những bước tiếp theo.
Những tháng ngày mình làm F&B và chứng kiến sự phát triển của những nhà hàng mới khiến mình nhận ra rằng không có điều gì diễn ra sau một đêm cả. Nó là một quá trình rất dài, càng chuẩn bị kỹ thì càng nắm chắc phần thắng, nhưng cũng phải nắm những thời cơ nhất định nữa. Nghe thì không có gì rõ ràng, vì kỳ thực những cơ hội không có một công thức nào rõ ràng. Biết mình thiếu gì và phát triển nó, cứ thế cố gắng mà chạy đến đích đến mình muốn, đó là không trì hoãn mà vẫn đang bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Giây phút ta cứ dậm chân tại chỗ, coi như là ta đã thua rồi. Khi ta cứ đứng phân vân giữa ngã ba đường, tại sao không tự tạo cho mình một lối đi riêng?
Kim Xuân