Rèn tư duy, luyện trí não – 45 phương pháp tư duy sâu cho mọi thế hệ – Neil Pavitt

Một cuốn hướng dẫn sử dụng não, hãy đọc nó để thấy bớt nặng đầu.

Nếu ai đã từng đọc cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo thì chắc hẳn đã không xa lạ gì về tiềm năng vô tận của bộ não con người. Trước hết, hãy đọc trích dẫn dưới đây của Tim Berners – Lee để nhớ lại một chút kiến thức về bộ não diệu kỳ của chúng ta:

“Có hàng tỷ nơ-ron thần kinh trong não của chúng ta, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi nơ-ron thần kinh là gì không? Chúng cũng chỉ là những tế bào mà thôi. Sự kết nối giữa các nơ-ron thần kinh sẽ đem lại kiến thức cho não. Tất cả những gì ta biết, tất cả những gì tạo nên con người ta, đều được hình thành từ cách mà các nơ-ron thần kinh liên kết.”

Theo nghiên cứu, 95% hành động mỗi ngày của não chúng ta đều là vô thức. Bộ não có đến hàng tỷ, hàng nghìn tỷ nơ-ron thần kinh, nhưng chúng ta chỉ tận dụng được 5% trong số ấy thôi. Mình vẫn tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra và làm thế nào để chúng ta tận dụng được hết tiềm năng vô hạn của bộ não. Về cơ bản, không như chiếc máy tính hay điện thoại thông minh của bạn, não bộ con người không có giới hạn. Chúng ta chỉ cần biết cách tận dụng nó, hay như Santiago Ramón y Cajal, một trong những người sáng lập ra khoa học thần kinh từng nói: “Bất cứ ai, chỉ cần họ sẵn sàng, đều có thể trở thành thợ điêu khắc của chính bộ não họ.”

9 bí kíp đầu tiên của cuốn sách sẽ giúp bạn học cách suy nghĩ khéo léo hơn và sử dụng bộ não của bạn hiệu quả hơn. Bí kíp đầu tiên: Lên một Done List, nghe có vẻ lạ lùng, nhưng thực tế thì mình đã sử dụng nó nhiều năm nay mà không biết. Về căn bản, nếu bạn thích sử dụng các ứng dụng quản lý công việc như Notion hay Trello, có lẽ bạn cũng nghiện cảm giác khi to-do list của mình đều được tick done vào mỗi ngày. Tuy nhiên, có những ngày bạn lập ra to-do list và cả ngày hôm đó chẳng làm được gì trong danh sách đó cả. Thay vì ngồi thất vọng trước một danh sách còn nguyên si, mình có thói quen viết thêm những việc mình đã làm được ngày hôm đó vào danh sách và tick done cho chúng. Điều này nghe có vẻ thừa thãi, nhưng tin mình đi, nó khiến cho bạn giảm cảm giác tội lỗi vì chưa hoàn thành danh sách ban đầu, thêm vào đó bạn cũng có cái nhìn tổng quan hơn về khối lượng công việc của ngày hôm đó để có thể lên một to-do list chuẩn chỉnh hơn cho những ngày tiếp theo.

Theo tác giả Neil Pavitt, một danh sách những việc cần làm dài đồng nghĩa với việc “chúng ta có rất nhiều thứ cần hoàn tất” – chứ không phải ta làm được nhiều thứ. Rồi vô tình từ danh sách những việc cần làm nó sẽ biến thành “danh sách những thứ bạn chưa hoàn tất” và sản sinh ra nhiều căng thẳng và lo âu. Một danh sách những việc đã hoàn thành của những điều bạn đã làm được đem lại liên kết tích cực và kết nối mới trong bộ não, khiến bạn cảm thấy tích cực hơn bản thân. Mình thấy ý tưởng về việc lên một Done List cũng tương tự như cuốn Nhật ký thành công trong cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Bạn có thể ghi vào Done List của mình những thành tựu bạn đã đạt được và cảm thấy tự hào về nó. Mỗi khi cảm thấy chán nản, hãy mở Done List của mình ra và bạn sẽ thấy được tiếp thêm động lực từ chính những thành tựu mà bạn đã đạt được. Bạn có tài mà!

Ngoài những cách chăm sóc sức khoẻ để não có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn, hay những bí kíp làm thế nào để sử dụng não của mình tốt hơn trong công việc, mình còn thấy một bí kíp sẽ giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, nhất là khi bạn có những trải nghiệm không vui và nó ảnh hưởng đến tâm lý: đó là thay đổi ký ức của bản thân. Đương nhiên, đừng thay đổi những ký ức quan trọng như là hai người đã chia tay rồi, hoặc bạn nợ tiền ai đó chưa trả. Những ký ức thường rất chủ quan, và thậm chí rằng hai người có thể có ký ức hoàn toàn khác nhau về cùng một sự kiện. Có một sự thật là ký ức cũng hoàn toàn có thể thay đổi và việc thay đổi cũng có thể là điều tốt. Mỗi khi bạn nhớ lại về một ký ức, đó là khi bạn đang tái tạo, thay đổi và ghi nhớ lại. Những ký ức tiêu cực mạnh mẽ có thể tạo ra những nỗi sợ nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của bạn. Thế nên, chính nhờ việc tích cực nghĩ về ký ức và cố gắn liền cảm xúc mới với nó, chúng ta có thể cắt được những cảm xúc tiêu cực cũ gắn liền với nó và đồng thời giảm thiểu nỗi sợ mà nó đem lại. Mình nhận ra đôi khi nhớ nhiều chi tiết quá cũng không phải là một điều tốt. Có những ký ức ta có thể chọn lọc để nhớ lại, để dành phần lớn trong chiếc não diệu kỳ cho những điều xứng đáng hơn.

Một chương nữa của cuốn sách đề cập đến việc chúng ta nên suy nghĩ khi đang mệt mỏi. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng những ý tưởng mệt mỏi đôi khi lại giải quyết vấn đề theo một cách mà ta không ngờ tới. “Trạng thái hơi buồn ngủ chắc chắn đem lại lợi ích cho những suy nghĩ sáng tạo.” – Và quả thưc, đã có rất nhiều những ý tưởng đến với mình vào tầm 5-6 giờ chiều hay là 2-3 giờ sáng, khi ta thấy não đã quá mệt. Đương nhiên, mình không khuyến khích cách này nên sử dụng thường xuyêm, bởi sau những gì đã xảy ra, mình nhận thấy cách tốt nhất để não vận hành là ta có một cơ thể thật khoẻ mạnh. Điều đó có nghĩ là biết cách bồi dưỡng, biết cách nghỉ ngơi, biết cách làm việc thật hiệu quả. Chúng ta may mắn vì sinh ra với một bộ não hoàn hảo và những tiềm năng lớn đến không ngờ. Hồi xưa bóng đèn còn chẳng tồn tại, còn bây giờ ta thậm chí có thể điều khiển đèn chớp và đổi màu theo giai điệu một bài hát. Vậy thì bất cứ ai nói không với bạn, hoặc bất cứ khi nào bạn nói không với chính mình, đừng nghe theo tiếng nói ấy. Những lối mòn tư duy đang nhấn chìm đi sự sáng tạo và cải tiến cho những giải pháp tốt hơn. Và đúng như tựa của cuốn sách: Rèn tư duy, luyện trí não – những tips mà tác giả đưa ra ở đây đã giúp mình khá nhiều trong những thay đổi tích cực hơn gần đây. Có lẽ vì tác giả là nhà văn và huấn luyện viên sáng tạo, thế nên góc nhìn và những nghiên cứu của tác giả khá hữu ích cho một người làm nghề viết như mình, mặc dù mình tin rằng việc rèn luyện trí não không liên quan quá nhiều tới chuyên ngành hay công việc của bạn, hay thậm chí bạn đang đi học đi chăng nữa. Rèn luyện trí não chỉ đơn giản là khiến cuộc sống bạn dễ dàng hơn, rất nhiều.

Kim Xuân

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: